Du khách quốc tế: Yêu Sapa (Việt Nam) với ruộng bậc thang, cộng đồng dân tộc miền núi và đỉnh Fansipan
Từ ruộng bậc thang đến ‘chợ tình’, thị trấn Sapa (Việt Nam) mang đến cho du khách quốc tế nhiều ấn tượng đặc biệt bởi thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa đặc sắc.
Trên trang SCMP, tác giả Erika Na đã kể về hành trình khám phá Sapa – một thị trấn miền núi yên tĩnh nằm ở tỉnh Lào Cai, phía Tây Bắc của Việt Nam. Nơi đây có khung cảnh núi non hùng vĩ, những thửa ruộng bậc thang bát ngát, những thác nước ngoạn mục, những con đường mòn uốn lượn và nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống.
Từ những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp đến “chợ tình” sôi động, thị trấn Sapa (Việt Nam) mang đến sự kết hợp quyến rũ giữa vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc. Ảnh: Erika Na
Khó khăn trong việc tiếp cận là điều khiến thị trấn xa xôi, giàu lịch sử này trở nên đặc biệt hơn. Từ Hà Nội, du khách quốc tế phải mất khoảng 5 tiếng để lên Sapa bằng ô tô.
Theo tác giả, độ cao khoảng 1.600m so với mực nước biển thuộc tỉnh Lào Cai, miền bắc Việt Nam, Sa Pa luôn là điểm đến gắn liền với quang cảnh hùng vĩ và văn hóa đặc sắc, điển hình là cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống và làm việc trên những bậc thang bên sườn đồi.
Nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất trong khu vực là người H’Mông Đen.
Kể từ khi Đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai mở cửa vào năm 2014, trung tâm thị trấn Sapa bắt đầu phát triển hơn nữa. Hiện nay, Sapa được xem là điểm đến sôi động với đầy đủ các nhà nghỉ, khách sạn và doanh nghiệp phục vụ khách du lịch quốc tế.
Theo tác giả, trong khi một số làng dân tộc thiểu số ở các thung lũng gần đó trở nên đông đúc du khách bởi kinh doanh thương mại hóa thì hai ngôi làng khác như Lao Chải và Tả Phìn vẫn giữ được nét truyền thống hơn.
Trâu nước vẫn được xem là tài sản có giá trị của cộng đồng người dân ở đây vì chúng giúp nông dân cày ruộng.
Người dân làng đi xe máy dạo quanh Sapa. Ảnh: Erika
Ngôn ngữ địa phương và phong tục bản địa của khu vực này vẫn được duy trì. Người H’Mông Đen mang đặc sắc văn hóa riêng, với trang phục truyền thống của họ thường có màu tối hoặc được thêu bằng những họa tiết đẹp, rất riêng biệt.
Hướng dẫn viên du lịch đi bộ đường dài tên Chu, một phụ nữ 28 tuổi đến từ người H’Mông đã dẫn đoàn du khách trải nghiệm ở cộng đồng địa phương. Chu, người cũng có hai con, cho biết cộng đồng người dân ở đây thường kết hôn sớm và sinh nhiều con.
Những tiến bộ công nghệ đã mang đến nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống cho người dân Sapa. Sự ra đời của internet và điện thoại thông minh giúp họ có thêm kết nối phát triển du lịch, đưa du khách đến khám phá những ngôi nhà truyền thống của người dân địa phương hoặc làm hướng dẫn viên đi bộ đường dài.
Đặc sắc văn hóa địa phương
Giờ đây, Sapa không chỉ hấp dẫn những khách du lịch bình dân mà còn là một địa điểm yêu thích của những du khách hạng sang. Những khách sạn cao cấp mọc lên nhiều hơn như Hotel de la Coupole – MGallery đã trở thành điểm đến ưa chuộng của du khách trong và ngoài nước.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh Bill Bensley, Hotel de la Coupole – MGallery là sự hòa quyện của sắc màu dân tộc thiểu số cùng sự quyến rũ về phong cách thời trang những năm 1920-1930 của giới thượng lưu Pháp.
Khách sạn phản ánh tinh thần của MGallery trong việc tôn vinh văn hóa và những câu chuyện địa phương theo nhiều cách.
Toàn cảnh Sapa nhìn từ trên cao. Ảnh: Hotel de la Coupole – MGallery
Thiết kế của khách sạn kết hợp các yếu tố của văn hóa vùng cao – hãy nghĩ đến những chiếc chụp đèn có hình dạng giống như mũ của người H’Mông – và khách sạn hỗ trợ cộng đồng người dân địa phương thông qua cơ hội làm việc tại đây.
Nhờ vị trí nằm giữa thị trấn nhìn ra ruộng bậc thang và núi Fansipan, du khách có thể đắm mình trong khung cảnh xung quanh trong khi thưởng thức bữa sáng hoặc trà chiều.
Những người thích phiêu lưu hơn một chút có thể muốn lên Fansipan. Ngày xưa, cách duy nhất để lên đến đỉnh cao 3.147 mét là đi bộ đường dài trong vài ngày. Tuy nhiên, kể từ năm 2016, một tuyến cáp treo đã đưa du khách lên đỉnh núi trong 20 phút.
“Cảnh quan trên đường lên đỉnh thật ngoạn mục. Du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh những thửa ruộng bậc thang vô cùng đẹp. Tuyến cáp treo càng lên cao, càng ít nơi định cư của con người và thiên nhiên càng chiếm ưu thế, từ cây cối đến dòng suối trên núi và thác nước. Tất cả hoàn quyện trong bức tranh hùng vĩ của thiên nhiên”, tác giả viết.
Một hoạt động khác thể hiện bản sắc văn hóa ở đây là chợ tình Sapa – một điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách. Các phong tục truyền thống mang đến cho người dân cảm nhận không gian về tuổi trẻ và tình yêu.
Thay vì ứng dụng hẹn hò, người dân địa phương thường tụ tập tại một quảng trường ở Sapa vào mỗi tối thứ Bảy để tham gia “chợ tình” hàng tuần. Thông qua các buổi biểu diễn âm nhạc và trò chơi, những đôi trai gái trẻ có cơ hội hiểu nhau hơn và mục tiêu là tìm kiếm bạn đời.
“Chỉ trong hơn 100 năm qua, từ một vùng cao nguyên từng không thể tiếp cận, với các khu định cư rải rác, giờ đây Sapa đã trở thành điểm đến thường xuyên của khách du lịch để đắm mình vào văn hóa địa phương truyền thống và đem đến cơ hội đặt chân lên ngọn núi cao nhất Việt Nam, được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Trong suốt thời gian đó, rất nhiều thứ đã thay đổi nhưng vẫn có những thứ vẫn giữ gìn nguyên vẹn đến ngày nay”, tác giả Erika Na cảm nhận.
Theo Báo Tổ Quốc