Điểm Đến Lào CaiDu Lịch SapaTin Tức Hiệp Hội

Đi tìm tuyết trắng

Miền Bắc đang được dự báo sắp có thêm những đợt lạnh mới. Đây là lý do khiến các “phượt thủ” mê săn băng tuyết lại rục rịch lên đường. Nhiều bạn trẻ chẳng ngại ngần vượt núi, băng rừng, chỉ để tận mắt nhìn thấy một “giấc mơ có thật”.

Ngải Thầu Thượng huyền ảo

Có một điểm ngắm băng tuyết đang được giới trẻ “truyền tai” nhau là Ngải Thầu Thượng – cái tên mà dân phượt chỉ nghe đã muốn lên đường. Thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát (Lào Cai) là một bản người Mông nằm ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, được coi là bản cao nhất ở phía Bắc. Ngải Thầu, tiếng địa phương là “mũi đá”, nhô ra trên đỉnh núi Ma Cha Va hùng vĩ bốn mùa sương trắng, gió trời lồng lộng. Đứng ở Ngải Thầu Thượng có thể phóng tầm mắt ngắm thung lũng Thiên Sinh, ruộng bậc thang Thèn Pả của người Hà Nhì, người Mông trên những sườn núi chênh vênh và thung lũng xa hút tầm mắt…

Băng tuyết ở Ngải Thầu Thượng.

Trước đây, ít người biết đến Ngải Thầu Thượng vì đường đi quá hiểm trở, đầy bí ẩn. Chỉ có những chàng trai người Mông quen thuộc thung thổ và vô cùng dũng cảm mới dám đi xe máy vượt dốc Chin Chu Lìn để lên xuống Ngải Thầu Thượng. 85 hộ người Mông ở đây kiên gan bám trụ, “chân đạp đá, đầu đội mây”, chịu nắng lửa, tuyết rơi, gió gào để sinh sống rồi dần thành bản thành làng. Bây giờ, nhờ có con đường bê tông nông thôn mới dài hơn 7 km, xe ô tô có thể đi từ dốc Chin Chu Lìn đến tận đỉnh trời Ma Cha Va.

Nghe nói, vào những khi có tuyết rơi, trừ đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m, thì bao giờ ở đỉnh Ma Cha Va cao và thôn Ngải Thầu Thượng cũng có tuyết rơi trước những nơi khác. Mùa đông năm trước, tuyết ở đây rơi dày đến hơn 1m, phải gần 1 tháng mới tan hết. Chỉ có những rừng tống quá sủ cổ thụ mới chịu nổi thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Theo tiếng dân tộc Mông, nghĩa của từ tống quá sủ cũng chính là cây sống qua mùa đông. Dù thời tiết nào, đường lên Ngải Thầu Thượng cũng là một cung đường đáng đi và khám phá. Nơi đây hầu như chưa có du lịch và dịch vụ hiện đại nên nếp sống, văn hóa, phong tục của các dân tộc vẫn được giữ nguyên vẹn, từ vẻ đẹp của những ngôi nhà trình tường trong bản của người Hà Nhì, hàng rào đá của người Mông. Dân bản địa tự hào mây Ngải Thầu đẹp nhất, tuyết Ngải Thầu rơi dày nhất, ruộng bậc thang Ngải Thầu đẹp nhất. Vào những ngày có băng tuyết, Ngải Thầu thượng chìm trong sắc trắng huyền ảo, tịch mịch lạ thường, khiến du khách chỉ còn biết lặng người để ngắm, dường như mọi ngôn từ đều không đủ để tả cảnh sắc này, cảm giác này.

Mẫu Sơn cổ tích

Nói tới săn băng tuyết, không thể không kể tới đỉnh núi Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), có độ cao khoảng 1.540 m so với với mực nước biển, được mệnh danh là “nóc nhà Đông Bắc” của tổ quốc. Trước hết là vì điểm đến này tương đối thuận lợi, từ Hà Nội chạy cao tốc đến TP Lạng Sơn chỉ chừng hơn 2 giờ. Nằm cách TP Lạng Sơn khoảng 30 km về phía Đông, đỉnh Mẫu Sơn là nơi có luồng không khí lạnh đi qua nhiều nhất của Việt Nam, khung cảnh trùng trùng điệp điệp với khoảng 80 ngọn núi lớn nhỏ, cao nhất là đỉnh Phia Po 1.541m. Nhưng phải vào những ngày có băng tuyết, đỉnh Mẫu Sơn mới thực sự mê hoặc du khách, khi cả một không gian rộng lớn đều trắng xóa băng tuyết. Màu trắng phủ trên những mỏm núi nhấp nhô, kết thành chùm trên cành cây, ngọn cỏ, phủ khắp nhà cửa, lối đi. Những cành thông, cành tùng, cây mua, cây sim như đang nở những bông hoa tuyết long lanh, huyền ảo, lại có những khoảnh khắc hàng cây đào núi nhuộm màu tuyết trắng xóa chợt rực sáng lên trong le lói ánh tà dương, thực sự là một khung cảnh cổ tích. Đến đây, giới trẻ sẽ được tận hưởng một trải nghiệm hết sức lạ lẫm, thỏa sức tạo dáng cùng băng tuyết với các khuôn hình chẳng khác nào đang đứng giữa trời Âu.

Du khách săn băng tuyết trên đỉnh Mẫu Sơn.

Những năm xưa, vào những ngày không khí lạnh giá như thế này, người dân bản địa, chủ yếu là người Dao, thường phải ở trong nhà đốt lửa tránh rét. Nhưng những năm gần đây, người dân địa phương lại có cơ hội làm dịch vụ khi khách du lịch đổ về ngắm băng tuyết ngày càng đông. Sau khi trải nghiệm băng tuyết, du khách có thể thưởng thức rất nhiều sản vật địa phương. Trong cái tiết giá lạnh, những món đặc sản của Lạng Sơn như lợn sữa quay, gà nướng mật ong, cá hồi, ếch hương, cơm lam hay thịt kho lá mắc mật… Đến đây, nhất định bạn đừng quên tắm nước lá người Dao để xua tan cái lạnh và mệt mỏi trong ngày.

Nghe người dân ở đây kể, ngay từ thời Pháp thuộc, Mẫu Sơn đã là một khu nghỉ dưỡng cho quan chức Pháp và những người giàu có. Những ngôi biệt thự với kiến trúc cổ từ thời Pháp thuộc nay đã trở thành phế tích, tách biệt hẳn với khu dân cư, khiến khung cảnh núi rừng càng thêm huyền bí. Vùng núi Mẫu Sơn là nơi sinh sống của các dân tộc Dao, Nùng, Tày… với nhiều nét văn hóa đặc sắc vẫn được bảo tồn. Mẫu Sơn hiện đã được quy hoạch thành khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi thám hiểm và du lịch văn hóa có hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, bãi cắm trại… phục vụ du khách.

Phia Oắc kỳ thú

Phia Oắc (Cao Bằng) cũng là một điểm đến được các bạn trẻ lựa chọn để ngắm băng tuyết những năm gần đây. Địa danh này hấp dẫn ngay từ cái tên, mới nghe đã thấy rất xa xôi hiểm trở và hứa hẹn những trải nghiệm khác lạ. Và đúng thật, mặc dù đường xá đã tốt hơn rất nhiều nhưng du khách vẫn phải mất nửa ngày trên xe ô tô, chóng mặt với những con đèo dài dặc và những khúc cua tay áo. Từ trung tâm thành phố, du khách di chuyển theo hướng tỉnh lộ 212 đến huyện Nguyên Bình, rẽ thêm 5km vào đường dốc cao là lên đến đỉnh núi tuyệt đẹp này.

Phia Oắc nằm trong hệ thống Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Vườn Quốc gia Phia Oắc – Phia Đén (huyện Nguyên Bình) nổi tiếng với địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao có độ dốc lớn và thung lũng nhỏ hẹp. Phia Oắc được ví như “nóc nhà” Cao Bằng với độ cao gần 2.000 m, được bao phủ bởi rừng kín cùng kiểu thời tiết mưa ẩm nhiệt đới. Với cảnh sắc thiên nhiên vốn đã rất hùng vĩ, mỗi khi xuất hiện băng tuyết, cả khu rừng được bao phủ bởi một màu trắng xóa, nhìn từ trên cao xuống vô cùng choáng ngợp. Băng tuyết phủ lên các bức tường nhà dân, lên từng nhánh cây trong rừng, làm ngưng đọng các giọt nước mưa trên cây tạo thành nhũ băng trên các cây cổ thụ rong rêu. Kể cả những nhành hoa dại bên đường cũng được bao phủ bởi lớp băng trông rất đẹp mắt. Có lẽ khác với ở Mẫu Sơn, Phia Oắc khiến người ta có cảm giác như bước chân vào một vương quốc băng tuyết, huyền ảo và kỳ bí, đẹp chẳng kém gì phim ảnh.

Để thúc đẩy các hoạt động du lịch khám phá đỉnh núi này, địa phương đã bê tông hóa đường đi lên đỉnh núi từ đường tỉnh 212 với chiều dài khoảng 4,5 km để du khách tiện khám phá. Còn người ưa mạo hiểm có thể chọn trekking lên núi. Cất công đến Phia Oắc ngắm băng tuyết, trải qua bao nhiêu đường đất hiểm trở, du khách sẽ được “đền bù” không chỉ là một khung cảnh mãn nhãn mà còn nhiều trải nghiệm thú vị khác về bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây. Đặc biệt, các món ăn đặc sản Cao Bằng cũng rất dễ “gây thương nhớ” cho du khách. Đó là phở chua, một món ăn đặc sản, đòi hỏi sự kỳ công trong quá trình chế biến với sự sáng tạo từ nhiều nguyên liệu. Bánh phở tươi mềm mại, kết hợp tinh tế với thịt ba chỉ, gan heo rán, thịt vịt quay, khoai tây chiên giòn và lá mắc mật, đặc biệt vị chua ngọt của nước sốt tạo nên một hương vị độc đáo. Hay xôi trám, một món đặc sản thường xuất hiện trong bữa ăn truyền thống của cộng đồng người Tày và Nùng. Những hạt nếp nương béo tròn sau khi được trộn cùng trám đen đã ỏm mềm, đồ lên, sẽ cho ra những đĩa xôi có màu sắc tím lịm. Vị thơm bùi và ngầy ngậy của thứ xôi này, rồi cả bánh trứng kiến, bánh áp chao nữa… đều là những trải nghiệm thật khó quên.

Theo Báo Đại Đoàn Kết

Những bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button