Điểm Đến Lào CaiDu Lịch SapaTin Tức Hiệp Hội

Sa Pa – bản giao hưởng của thiên nhiên và văn hóa miền Tây Bắc

Trên đỉnh thiêng Fansipan, mỗi ngày, mỗi mùa thiên nhiên lại khoác lên mình những vẻ quyến rũ khác nhau mà không một nơi nào trên dải đất hình chữ S này có được. Đó có thể là khoảnh khắc tuyết phủ trắng xóa quần thể tâm linh thâm nghiêm trên đỉnh non cao vào mùa đông, hoặc có thể là những buổi đêm với bầu trời lung linh huyền ảo của muôn vàn vì tinh tú, hay những buổi chiều ánh hoàng hôn nhuộm vàng biển mây bồng bềnh.

Cáp treo lên đỉnh Fansipan. Ảnh: Sun World Fansipan Legend

Thung lũng Mường Hoa thuộc địa phận xã Hầu Thào, cách thị xã Sa Pa chừng 8 cây số. Nơi đây thu hút đông đảo du khách bởi hệ thống ruộng bậc thang kì vĩ hòa vào thiên nhiên nên thơ, trữ tình. Giữa sương giăng bàng bạc của đất trời, thung lũng hiện lên như một nét chấm phá độc đáo mà mỗi mùa đến đây, tâm hồn du khách lại bị lay động theo một cách khác nhau.

Du khách chinh phục đỉnh Fansipan bằng đường leo bộ. Ảnh: Bá Ngọc

Du khách chinh phục đỉnh Fansipan bằng đường leo bộ. Ảnh: Bá Ngọc

Mùa xuân là mùa Mường Hoa khoác lên mình sắc màu tinh khôi của hoa đào, hoa mận. Mùa thu thung lũng bừng sáng một màu lúa chín vàng rực trên những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Mùa đông du khách kéo về đây “săn tuyết”, cảnh tượng lãng mạn và lạ lẫm tưởng như chỉ có ở “trời Tây”.

Nằm gần dưới chân đỉnh Fansipan và cạnh thung lũng Mường Hoa, thị xã Sa Pa hiện lên với nét cổ kính pha lẫn hiện đại. Sa Pa có một chặng đường 121 năm hình thành và phát triển. Dấu ấn trên chặng đường ấy được lưu giữ bằng những di tích lịch sử và trở thành điểm nhấn của Sa Pa, thu hút rất đông du khách như Nhà thờ đá Sa Pa, Tu viện Tả Phìn và các dãy nhà Pháp cổ còn sót lại.

Nằm ngay trung tâm thị xã, Nhà thờ đá Sa Pa được người Pháp xây dựng từ năm 1926 và hoàn thành vào năm 1935. Nhà thờ có thế dựa lưng vào dãy núi Hàm Rồng và là điểm sinh hoạt tôn giáo chính của các giáo dân ở Sa Pa, được ví như “trái tim của thị trấn trong mây”.

Nhà thờ đá được xây dựng từ năm 1895, được tôn tạo, bảo tồn nguyên vẹn, là hình ảnh đặc trung của SaPa mờ sương. Ảnh: Phạm Bằng

Nhà thờ đá được xây dựng từ năm 1895, được tôn tạo, bảo tồn nguyên vẹn, là hình ảnh đặc trung của SaPa mờ sương. Ảnh: Phạm Bằng

Ngày nay, du khách đến với Sa Pa sẽ ngỡ ngàng bởi nhiều nhà hàng, khách sạn lớn mới xây dựng nhưng có nét kiến trúc Pháp ở thế kỉ trước. Tiêu biểu là Hotel de la Coupole MGallery by Sofitel của Sungroup, kế đó là khách sạn PistaChio Sa Pa. Các kiến trúc cũ và mới cùng với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng hòa quyện vào nhau tạo nên một thị xã Sa Pa nổi tiếng trong mây, một “nàng thơ” tuyệt đẹp luôn tươi mới, hấp dẫn trong mắt du khách.

Du khách và người dân bản địa nhảy sạp tại một lễ hội ở Sa Pa. Ảnh: Phạm Bằng

Du khách và người dân bản địa nhảy sạp tại một lễ hội ở Sa Pa. Ảnh: Phạm Bằng

Sa Pa là mảnh đất sinh sống lâu đời của người Kinh và các dân tộc thiểu số anh em như Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó… Mỗi dân tộc ở Sa Pa có những phong tục, tập quán và nét văn hóa riêng biệt nên luôn lạ lẫm và hấp dẫn trong mắt du khách.

Ở Sa Pa, dân tộc Mông chiếm số lượng người lớn nhất, tới 50% dân số. Địa điểm du lịch vô cùng nổi tiếng của Sa Pa hiện nay là bản Cát Cát, là nơi sinh sống chủ yếu của người Mông. Đây là ngôi làng có lịch sử lâu đời, nay vẫn còn lưu giữ những nghề thủ công truyền thống như: trồng bông dệt vải và chế tác trang sức truyền thống. Đến đây du khách sẽ được tìm hiểu và quan sát về cuộc sống sinh hoạt của người Mông, tận mắt trông thấy cách họ tạo ra những bộ trang phục truyền thống và thưởng thức những món ăn đặc sản của Tây Bắc như thắng cố, rượu ngô, đậu xị…

Lễ hội của các dân tộc ở Sa Pa rất đặc sắc, còn in đậm nhiều yếu tố tín ngưỡng cổ. Lễ hội thường diễn ra trong những tháng đầu xuân và chủ yếu trong phạm vi một bản. Tuy nhiên ở Mường Hoa, một số lễ hội có phạm vi mở rộng cả một vùng, một mường xưa.

Tiết mục múa truyền thống của người Mông trong Lễ hội Gầu Tào ở Sa Pa. Ảnh: Phạm Bằng

Tiết mục múa truyền thống của người Mông trong Lễ hội Gầu Tào ở Sa Pa. Ảnh: Phạm Bằng

Người Mông có lễ hội Nào Sồng (ăn thề đầu năm) được tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng tại khu rừng cấm của cả bản. Hay như lễ hội Nhặn Sồng của người Dao tổ chức vào tháng Giêng với tổng hợp các loại hình nghệ thuật dân gian như: nghệ thuật múa nhảy đan xen với nghệ thuật âm nhạc (các bài thiên binh, hành quân, trừ tà…), nghệ thuật ngôn từ kể về sự tích của dòng họ Bàn, Triệu, Đặng… kể về công lao tổ tiên, về sự tích một số thần thánh trong giới thần linh của người Dao.

Trong số lễ hội của các dân tộc ở Sa Pa, lễ hội Gioóng Boọc của người Giáy có quy mô lớn, thu hút hàng nghìn người Giáy, Mông, Dao ở thung lũng Mường Hoa tham gia. Người Xá Phó ở Nậm Sang lại tố chức lễ hội quét làng vào ngày 2/2 âm lịch với nhiều nghi thức nhằm trừ tà, cầu an. Hiện nay, quy mô lễ hội truyền thống của các dân tộc càng được mở rộng để thu hút được nhiều khách du lịch.

Đám cưới của người Dao đỏ ở Sa Pa. Ảnh: Hoàng Hà/ Báo ảnh Việt Nam

Đám cưới của người Dao đỏ ở Sa Pa. Ảnh: Hoàng Hà/ Báo ảnh Việt Nam

Những câu chuyện thú vị về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Sa Pa dường như kể mãi vẫn không hết, bởi ở đó những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vẫn còn nhiều và được người dân gìn giữ lưu truyền bền vững. Tất cả vẫn đang chờ du khách đến khám phá, bởi mỗi ngày, mỗi mùa Sa Pa lại là một “bản giao hưởng” mới với nhiều thanh âm và cung bậc quyến rũ khác nhau.

Nguồn Báo Ảnh Việt Nam

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button