Du khách đến Sa Pa đều có ấn tượng đẹp, đó là từ trung tâm thị xã đến các bản làng rất sạch sẽ.
Đây là kết quả của một năm thị xã Sa Pa thực hiện đề án xây dựng đô thị ‘‘Sa Pa Sạch’’ giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Như nhiều địa phương đông khách du lịch khác, trước đây Sa Pa còn tình trạng xả rác bừa bãi, nhiều nơi nhếch nhác, dơ bẩn. Tiếc cho Sa Pa, nên có ý kiến cho rằng, Sa Pa như nàng công chúa xinh đẹp nhưng lâu ngày không được tắm gội.
Và một năm qua, “nàng công chúa xinh đẹp” đã được tắm gội. Chỉ một năm, nhưng đã có một sự thay đổi rõ rệt, một sự khác biệt bất ngờ. Để có được một Sa Pa sạch sẽ như hôm nay, chính quyền và người dân địa phương đã nỗ lực rất lớn, quyết tâm và hành động quyết liệt.
Dọn rác là việc không dễ dàng. Nhiều địa phương từng ra quân, khua chiêng gióng trống ồn ào rồi sau đó “thu quân”, rác vẫn hoàn rác.
Dọn rác không phải là làm chuyện phong trào, hô hào năm ba bữa, mà phải kiên trì, bền bỉ, và quan trọng là thấy được giá trị rất lớn tạo ra từ một môi trường sống thân thiện với môi trường.
Một năm, lãnh đạo của thị xã Sa Pa bám sát với các chương trình của đề án “Sa Pa sạch”, thay nhau có mặt ở nhiều địa điểm khác nhau, cùng dọn rác với người dân.
“Ngày chủ nhật sạch”, “Ngày thứ sáu xanh” được bà con hăng hái tham gia.
Có những chương trình tập trung vào lứa tuổi học sinh như “Một phút sạch trường”, “Đoạn đường em chăm”, “Đoạn đường tự quản”. Đây là chương trình cụ thể dọn sạch rác ở các trường học, và cũng là hình thức giáo dục về nhận thức bảo vệ môi trường từ thế hệ trẻ, để có được một môi trường xanh, sạch, đẹp bền vững.
“Sa Pa sạch” không chỉ là dọn rác dưới đất, mà còn dọn nhiều thứ rác khác. Đó là các chương trình “nói không với nhựa”, “không tiếng còi xe”, “dọn rác viễn thông”, “dọn pano, áp phích, cổng chào, biển hiệu”, “điểm vệ sinh miễn phí”.
Đã có 11 tuyến phố tại trung tâm thị xã Sa Pa được hạ ngầm dây điện, cáp viễn thông, có 56 điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách.
Chỉ một năm thực hiện đề án nhưng Sa Pa đã có được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Thành công của năm đầu tiên sẽ là bàn đạp để đi tiếp những năm tiếp theo cho đến khi Sapa được gọi tên là thành phố sạch của Việt Nam và khu vực.
Nói như vậy, bởi vì tại diễn đàn Du lịch Đông Nam Á diễn ra tại thủ đô Vientiane (Lào) đầu năm nay, Việt Nam có 3 thành phố gồm Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu được vinh danh là thành phố du lịch sạch ASEAN năm 2024. Các địa phương khác làm được, Sa Pa cũng sẽ làm được.
Tất nhiên, còn có rất nhiều việc phải làm, có những việc làm ngay được, nhưng có những việc cần thời gian, cần sự kiên nhẫn của cả cộng đồng. Để thay đổi được nhận thức của người dân, hành động để bảo vệ môi trường, thì lãnh đạo phải làm gương, phải vào cuộc quyết liệt. Và sắp tới, theo lãnh đạo của thị xã Sa Pa, chính quyền phải sử dụng công cụ pháp luật, xử phạt những trường hợp xả rác, gây tổn hại đến môi trường.
Người dân làm cho “Sa Pa sạch”, đó là tạo ra một giá trị lớn cho quê hương thân yêu và tươi đẹp của mình. Giá trị đó không chỉ là thu hút du lịch, phát triển kinh tế, mà còn góp phần nâng cao dân trí, xây dựng đất nước Việt Nam văn minh.
Theo Báo Lao Động