Xây dựng ‘chợ tình’ Sa Pa’ (Lào Cai) thành sản phẩm du lịch trình diễn
Trước thực tế khách quan, không thể có ‘chợ tình’ hoạt động như những năm 70, 80 của thế kỷ XX về trước. Chủ nhân của ‘chợ tình’ không còn nguyện vọng như xưa. Cơ sở vật chất đáp ứng cho ‘chợ tình’ xưa cũng không còn. Vì vậy, không thể khôi phục và bảo tồn ‘chợ tình’ như bảo tồn một di sản. Nhưng trong di sản có những hình thức biểu diễn di sản, trình diễn di sản.
Ở kinh đô Huế xưa không còn vua và quan nhưng người ta vẫn trình diễn “đêm hoàng cung”, “lễ thiết triều” và những nghi lễ cung đình khác. Ở Hà Nội, chế độ đàn áp người yêu nước ở nhà tù Hỏa Lò đã vĩnh viễn ra đi cùng với thực dân xâm lược. Nhưng họ vẫn có “đêm Hỏa Lò”.
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.
Đặc biệt, nhiều nơi tổ chức những phiên chợ quê với những không gian truyền thống của cây đa, bến nước, sân đình ở đồng bằng Bắc Bộ đang thu hút được đông đảo du khách. Như vậy, trình diễn lại “chợ tình”, làm sống lại “chợ tình” của những năm 70, 80 của thế kỷ XX là điều cần thiết. Đây là ý tưởng hay của nhiều nhà du lịch nhưng muốn ý tưởng này trở thành hiện thực, “chợ tình” xưa sống được phần nào trong lòng du khách thì cần phải có đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình “chợ tình” hiệu quả, phù hợp với thực tiễn:
– Bước 1: cần phải khảo sát thực tế “chợ tình” ở Sa Pa xưa.
Trong đó, rất chú trọng đặc trưng của phiên chợ Sa Pa mà ngày nay vẫn còn nhiều yếu tố như về buôn bán, bán các loại hàng đặc sản của Sa Pa (nấm hương, mộc nhĩ, dược phẩm, hoa quả theo mùa…). Nhưng hiện nay, đặc sản được phát triển thành các mặt hàng OCOP, thành các sản phẩm của các hợp tác xã thổ cẩm… các mặt hàng đó cần phải khai thác, quảng bá, xây dựng thương hiệu mạnh gắn với thương hiệu của chủ nhân mặt hàng. Ở khu bán hàng cũng có những không gian giành riêng cho các nghề thủ công truyền thống trình diễn như chạm khắc bạc của người Dao, thêu thổ cẩm của ngườ Mông/người Dao, đồ đan của người Xá Phó…v.v.
– Bước 2: cần chú trọng khai thác các nét đặc trưng của “chợ tình” trở thành các sản phẩm phục vụ du khách.
Đó là các quầy ẩm thực của đồng bào các dân tộc, cũng như người Kinh… nhưng ở Sa Pa, khí hậu lạnh gần như quanh năm. Do đó, chú ý khuyến khích phát triển các đồ nướng, các món ăn nóng. Trong ẩm thực cũng xây dựng phong cách ăn uống theo “chợ tình”, đó là phong cách ân cần, hết lòng vì khách hàng, niềm nở đón chào, giới thiệu các đặc sản của người dân. Sự đặc sắc này còn thể hiện qua các trang phục, các đạo cụ của người bán hàng như các bộ trang phục người Mông, người Giáy, người Dao, người Xá Phó, người Tày truyền thống của thế kỷ XX chứ không phải là những bộ trang phục hiện nay. Các đạo cụ phục vụ ẩm thực, nấu nướng, sản xuất nghề thủ công cũng mang dấu ấn của thế kỷ XX.
– Bước 3: “chợ tình” cũng là một sân khấu trình diễn hấp dẫn.
Do đó trước hết cần phải có không gian chợ như chợ truyền thống, có lùm cây, có nơi buộc ngựa, có góc này thổi khèn/thổi sáo, có góc kia hát giao duyên…v.v. Toàn bộ các không gian này vận hành theo kiểu sân khấu. Những cảnh diễn vừa thực, vừa diễn (người mua thật nhưng chắc chắn khó có người tỏ tình thật). Vì vậy, diễn và thật đan xen nhau. Cái thực, cái ảo hòa quyện với nhau. Trên sân khấu “chợ tình”, xây dựng theo kiểu lớp lang như một vở kịch có nhiều màn, nhiều cảnh khác nhau. Ở đó có cảnh chàng trai, cô gái xóm chợ, có cảnh gặp gỡ làm quen, có cảnh kéo vợ và cũng có hôm sẽ có cảnh rước dâu của người Dao, người Mông, người Tày. Đó là dàn nhạc đón dâu của nhà trai chào đón nhà gái trong lễ cưới người Dao. Đó cũng là cảnh cô dâu cưỡi ngựa hồng của người Tày, cảnh người nhà cõng cô dâu của người Giáy…v.v. Mỗi một phiên chợ tình kết thúc có một màn hấp dẫn như vậy. Nhằm mục đích truyền đi thông điệp cho du khách từ quá trình yêu nhau, tìm hiểu đến cả hình tượng đám cưới – kết quả của tình yêu…v.v. Đây là sân khấu đầy sáng tạo của các nghệ sĩ và nghệ nhân dân gian. Nhưng yêu cầu mỗi một phiên chợ phải sáng tạo, có những cách diễn khác nhau, không trùng lặp và luôn tìm tòi đổi mới, sát thực với cuộc sống của thế kỷ XX.
– Bước 4: chọn địa điểm quy hoạch không gian chợ phù hợp với các chức năng từng không gian của chợ truyền thống.
+ Không gian chợ truyền thống là không gian mở, không bị giới hạn các nhà tầng, nhà xây. Đồng thời, trong không gian mở còn có lùm cây, bãi cỏ, vườn hoa hoặc có nơi đốt lửa… các không gian này vừa có diện tích tương đối rộng để triển khai các ý đồ của kịch bản, đạo diễn, đảm bảo sự sống động, hấp dẫn của một phần phiên chợ thế kỷ XX.
+ Không gian chợ có các khu chức năng như khu ẩm thực, khu bán hàng đặc sản, khu bán hàng tươi sống, khu sinh hoạt văn hóa giao duyên, khu bán nhạc cụ với các âm thanh huyên náo, khu bán hàng thổ cẩm với rực rỡ sắc màu… các không gian này cũng là những sân khấu nhưng được hiện thực hóa: mua thật, bán thật và ăn uống cũng thật.
– Bước 5: lựa chọn thời gian chợ phiên.
+ Thời gian chợ phiên chủ yếu là thời gian chợ đêm. Thời gian này phù hợp với ngành dịch vụ đêm ở các khu du lịch. Tuy nhiên, mỗi một thời gian được phân ra có những hoạt động trọng tâm nổi bật và những hoạt động hấp dẫn thu hút được nhiều người tham gia. Ví dụ như hoạt động của dàn nhạc người Dao, người Giáy, người Tày. Hoặc cũng có thể giới thiệu theo hình thức tỏ tình xưa của người Mông thông qua các màn biểu diễn các nhạc cụ.
+ Thời gian hàng tuần nên lựa chọn vào chiều và tối thứ bảy tổ chức trình diễn “chợ tình”. Trước khi trình diễn, cần được quảng bá mạnh và hấp dẫn trên mọi kênh thông tin.
– Thị xã Sa Pa cần xây dựng đề án về trình diễn “chợ tình”theo mô hình của thế kỷ XX.
– Thị xã Sa Pa chỉ đạo Phòng với Trung tâm văn hóa cùng các phòng, ban lựa chọn địa điểm trình diễn không gian của “chợ tình” ban đêm.
– Phòng văn hóa và các ban văn hóa cơ sở, các CLB nghệ thuật cần xây dựng nguồn kinh phí, lực lượng biểu diễn, mời các nghệ nhân tham gia hoạt động “chợ tình”. Trong đó, có bộ phận mua bán dịch vụ thì vận động người dân tham gia. Riêng bộ phận văn nghệ và các sinh hoạt văn hóa cần nhiều công dàn dựng, khôi phục các sinh hoạt từ thế kỷ XX, cần đầu tư kinh phí, đạo cụ, trang phục phù hợp.
– Về chế độ kinh phí, thời gian đầu, một số nghệ nhân có thể được thù lao nhưng sau đó, phòng tài chính thị xã nghiên cứu thực tế để xây dựng chế độ thù lao bồi dưỡng cho phù hợp. Trong đó, có nguồn thu và nguồn chi cụ thể, công khai, minh bạch.
– Về quảng bá, cần xây dựng chiến lược quảng bá hiệu quả, thiết thực, có chiều sâu. Trong đó, chú trọng việc họp báo tại Hà Nội với các hãng lữ hành và quảng bá qua hệ thống thông tin đại chúng kết hợp với mạng xã hội. Sau đó một thời gian thì tiến hành khảo sát, thăm dò nhu cầu nhằm bổ sung, vận hành hoạt động trình diễn của “chợ tình” hiệu quả, hấp dẫn với du khách.
Trình diễn “chợ tình” là một sản phẩm du lịch mới, cần có sự nghiên cứu công phu nhưng cũng thiết thực, không cầu toàn. Ủy ban nhân dân thị xã chỉ đạo các ngành vừa tiến hành làm thí điểm, vừa đúc rút kinh nghiệm cho hoàn chỉnh sản phẩm. Trình diễn “chợ tình” là điểm nhấn của hoạt động du lịch Sa Pa. Do đó, cũng cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý và cộng đồng người dân các dân tốc
Theo Văn Hóa & Phát Triển