Về miền di sản Sa Pa
Sa Pa đẹp, đẹp từ cảnh sắc thiên nhiên đến con người thân thiện, tươi duyên như cây cỏ trên rừng. Đến Sa Pa, phong tục, bản sắc văn hóa ngàn đời được lưu giữ khá vẹn nguyên trong các bản làng đã tạo nên những nét duyên dáng khiến khách phương xa luôn nhớ và mong trở lại.
Bất cứ vị khách nào khi được hỏi điều gì khiến họ ấn tượng nhất khi đến Sa Pa, khiến họ nhung nhớ, trở lại nhiều lần, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Là văn hóa còn đậm nguyên bản sắc.
Quả thực, với những người yêu thích chủ nghĩa “xê dịch”, thích khám phá những vùng đất mới, ngoài thiên nhiên tươi đẹp, thì sắc màu văn hóa riêng có của Sa Pa luôn là điểm cộng đầu tiên cho mọi hành trình.
Đến Sa Pa vào dịp lễ hội đầu năm mới hoặc dịp lễ riêng, du khách được hòa mình vào không gian văn hóa thực sự khi đi giữa “sắc màu trang phục cổ xưa”, được cùng người bản địa thực hành nét đẹp văn hóa dân gian của họ. Có nhiều nét văn hóa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoặc được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghi lễ và trò chơi kéo co của người Tày, người Giáy là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh (nằm trong hồ sơ liên quốc gia “Nghi lễ và trò chơi kéo co” của 4 nước Việt Nam, Campuchia, Philippines, Hàn Quốc, được UNESCO ghi danh vào ngày 2/12/2015).
Ở Sa Pa, người Tày, người Giáy sinh sống chủ yếu ở các khu vực trung tâm của các xã vùng thấp như Tả Van, Mường Bo, Bản Hồ, Liên Minh… Gắn bó lâu đời với sản xuất nông nghiệp lúa nước nên những người dân nơi đây có tín ngưỡng, trò chơi dân gian phong phú gắn liền với công việc của nhà nông. Với đồng bào dân tộc khác, kéo co là môn thể thao, trò chơi giải trí lúc nông nhàn, với người Giáy, người Tày còn phát triển trở thành nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng.
Mỗi khi tổ chức kéo co, người Tày, người Giáy đều tổ chức phần lễ rồi mới tổ chức kéo co thể hiện sức khỏe, sự dẻo dai, tinh thần đại đoàn kết, ý chí vượt qua khó khăn của cộng đồng. Kéo co trong tiếng Tày là “nhanh vai”, tiếng Giáy là “xao vai”, còn mang ý nghĩa là lễ kéo mây, kéo mưa xuống ruộng đồng, cho suối nhiều nước, mưa thuận, gió hòa, cho vạn vật sinh sôi, phát triển, kéo cho mùa màng bội thu…
Không chỉ những phong tục đã được ghi danh di sản, những phong tục thường ngày cũng luôn là niềm tự hào được người dân gìn giữ. Gắn bó với nông nghiệp nên việc làm ra các nông cụ, các sản phẩm từ kim loại để hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng hằng ngày vẫn luôn là một nghề truyền thống quý. Trong nhịp sống hiện đại, ở các bản làng vẫn có thanh âm của tiếng bễ lò rèn, tiếng búa rèn nông cụ chan chát.
Nếu muốn mục sở thị nghề cổ, du khách có thể ghé thăm những ngôi làng người Mông đen và thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa. Hầu hết nam giới trong thôn thuần thục cách rèn đúc, làm nông cụ. Đặc biệt, 14 hộ còn nhanh nhạy tiếp cận thị trường bằng cách làm nông cụ, làm dao hàng hóa bán ra thị trường. Sản phẩm được khách du lịch và người dân các xã ưa chuộng, tìm mua, tạo thu nhập ổn định cho các gia đình thực hành sản xuất. Bình quân mỗi năm, một gia đình làm nghề có thu nhập từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Dạo chơi Sa Pa, tour du lịch khám phá bản làng luôn là lựa chọn số một của du khách trong và ngoài nước. Tránh xa nhịp sống phố thị ồn ã, du khách được trải nghiệm “sống” một cuộc sống khác lạ. Giữa không gian ngập tràn sự trong trẻo của mây trời, gió núi, những cụ già, cô gái, chàng trai, trẻ nhỏ người Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó, Kinh với công việc thường ngày bình dị, tình cảm nồng ấm, hồn hậu, thân thiện đã tạo nên nét duyên thầm không phải nơi nào cũng có.
Với sự tự hào dân tộc, hiểu được giá trị của văn hóa ngàn năm, các thế hệ người Sa Pa luôn gìn giữ và phát huy. Không chỉ thực hành ở những dịp lễ, tết quan trọng, mỗi nét phong tục bản địa còn được thực hành hằng ngày. Như người Xá Phó ở nhà, lên nương hay xuống chợ thì trang phục mà họ yêu thích, mặc đến bạc màu vẫn là trang phục truyền thống màu đen được thêu hoa văn thổ cẩm màu đỏ nổi bật; người Mông đen vẫn ưa thích chọn sắc chàm với những họa tiết thêu thổ cẩm cầu kỳ; với người Giáy là những bộ quần áo vải phối màu và những chiếc cúc bướm xinh xinh…
Tôi đã từng trò chuyện với nhiều nhà báo trung ương và các địa phương bạn, là “đại diện” cho những người hay đi, họ cho rằng các dân tộc Sa Pa đang gìn giữ rất tốt văn hóa bản địa. Đến Sa Pa là thấy ngợp trời sắc màu dân tộc, điều mà không phải tỉnh nào, vùng miền nào ngày nay cũng lưu giữ được. Họ cũng hết lời ngợi ca định hướng “Biến di sản thành tài sản” của tỉnh Lào Cai triển khai đến các địa phương, trong đó Sa Pa đang là lá cờ đầu thực hiện. Cái “bắt tay” giữa văn hóa và du lịch đã tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc tại Sa Pa, tạo nhiều hiệu ứng tích cực trong thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển ngành “công nghiệp không khói” vừa bảo tồn các giá trị cổ.
Đến với các bản làng Sa Pa gọi “combo” nghỉ dưỡng theo mô hình cộng đồng, chắc chắn du khách sẽ được thưởng thức các món ăn đặc sản vùng cao, được nghỉ ngơi trong nếp nhà truyền thống, được trải nghiệm các hoạt động sản xuất (xay lúa, giã gạo…), cách làm trang phục (se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, thêu thổ cẩm…) hoặc sẽ được hòa mình vào các điệu dân ca, dân vũ của đồng bào.
Ngành văn hóa Lào Cai và Sa Pa cũng đề xuất, tham mưu và triển khai thực hiện các định hướng, chủ trương của tỉnh, thị xã về bảo tồn văn hóa; tích cực phát huy, vận dụng mọi nguồn lực, chương trình để thực hiện được nhiều hơn nữa các hoạt động gìn giữ giá trị văn hóa xưa.
Với nguyên tắc “bảo tồn sống”, cùng với sưu tầm, truyền dạy trong dân gian, ngành văn hóa Sa Pa còn phối hợp với ngành giáo dục truyền dạy di sản văn hóa trong trường học, qua đó nâng cao sự tự hào dân tộc của học sinh, của cộng đồng đang nắm giữ di sản văn hóa để xây dựng những giá trị văn hóa “vĩnh cửu”.
Theo Báo Lào Cai