Trào lưu mặc đồ ngoại lai sống ảo: Tổn thương giá trị văn hóa
Đi du lịch thì việc mặc quần áo địa phương chụp hình là niềm yêu thích của du khách. Sẽ chẳng có gì để bàn nếu trào lưu mặc trang phục nước ngoài chụp ảnh ở các địa điểm du lịch Việt không nở rộ đến thế.
Những “cô gái Mông Cổ” dập dìu khắp các địa điểm du lịch Việt Nam
Với những gam màu sặc sỡ, kiểu dáng lạ và bắt mắt, trang phục Mông Cổ, Tây Tạng được du khách cực ưa chuộng khi đến tham quan Hà Giang. Các cô gái dập dìu, “hồn nhiên” ghi lại khoảnh khắc sống ảo bên dòng sông Nho Quế trong xanh giữa núi non hùng vĩ đất trời Đông Bắc Bộ.
Không chỉ mỗi Hà Giang, tình trạng mặc trang phục ngoại lai ở những khu du lịch nổi tiếng Việt Nam như Ninh Bình, Sapa (Lào Cai), Hà Giang, Tam Đảo (Vĩnh Phúc)… vẫn tiếp tục gia tăng. Lướt một vòng các trang mạng xã hội chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bức ảnh những chàng trai, cô gái mặc trang phục Thái Lan “sống ảo” tại những đầm sen mang đậm bản sắc Việt ở Ninh Bình, hay trang phục Trung Quốc ở những bản làng Sapa cổ kính…
Có cung thì mới có cầu, tại Sa Pa, Mộc Châu hay Hà Giang, những cửa hàng cho thuê trang phục nước ngoài mọc lên ngày càng nhiều. Mức giá cho thuê dao động từ 150.000 tới 400.000 đồng/bộ, tuỳ theo nhu cầu của du khách. Dịch vụ trang điểm, làm tóc giống những phụ nữ Mông Cổ, Tây Tạng cũng xuất hiện.
Trang phục “thể hiện văn hóa mỗi cá nhân”
Việc mặc trang phục ngoại lai khi đi du lịch ở những địa điểm nội tiếng trong nước đã dấy lên những lo ngại khi ảnh hưởng đến tính nhận diện của khu du lịch với bạn bè quốc tế. Đồng thời việc bảo tồn trang phục, văn hóa truyền thống ở những khu du lịch, nhất là những khu di tích đang ở tình trạng báo động.
Blogger có tiếng về du lịch Khoai Lang Thang cách đây chưa lâu cũng đã thẳng thắn lên tiếng về việc du khách chọn trang phục Mông Cổ chụp hình trên sông Nho Quế (Hà Giang).
“Gần đây Khoai Lang Thang thấy nhiều bạn mặc đồ Tây Tạng, Mông Cổ khi chụp với sông Nho Quế. Một người bạn ngoại hỏi Khoai là: Nho Quế có phải của Việt Nam không?. Thật lòng nghe câu hỏi đó cùng những tấm hình bạn ấy đưa, Khoai cũng có chút buồn”, nam blogger giãi bày.
Dòng trạng thái của anh đã nhận được sự quan tâm đến từ fan nói riêng và của cộng đồng mạng nói chung. Nhiều người đã đồng tình với quan điểm của anh, tài khoản Facebook Linh Tran lên tiếng: “Việc mặc trang phục phù hợp không chỉ để cho đẹp, mà còn thể hiện được văn hóa của mỗi cá nhân”.
Loại bỏ trang phục ngoại lai ở các điểm du lịch trong nước
Bản Cát Cát (Thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai) là một trong những nơi tiên phong cho việc loại bỏ trang phục ngoại lai khi du lịch trong nước. Gần đây, một tấm biển khuyến cáo trang phục khi du lịch Sa Pa đã được rất nhiều người ủng hộ. Nội dung tấm bảng ghi rõ: “Khuyến cáo: Xin quý khách vui lòng không mặc trang phục Mông Cổ, hở hang để tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa người H’Mông. Trân trọng cảm ơn!”.
Theo đó, các cửa hàng trang phục bên dưới Bản Cát Cát đã không còn cho thuê trang phục Mông Cổ, Tây Tạng, thay vào đó họ đẩy mạnh các trang phục truyền thống dân tộc Mông, Tày, Nùng… của Việt Nam. Du khách tới đây cũng đã giảm thiểu việc tìm thuê trang phục ngoại lai rất nhiều so với thời điểm đầu năm.
Đất nước ta đã và đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập, vì vậy việc du nhập văn hóa của các nước trên thế giới đến Việt Nam là điều dễ hiểu. Tuy nhiên “hòa nhập khác với hòa tan”, bộ trang phục khoác lên người sẽ nói lên cốt cách, tâm hồn, giá trị và bản sắc văn hoá của 1 dân tộc. Vì vậy khi du lịch hay đến những điểm tham quan lịch sử, cần có sự lựa chọn trang phục đúng và phù hợp.
Theo Tri Thức & Cuộc Sống