Du Lịch SapaTin Tức Hiệp Hội

Sa Pa chấn chỉnh tình trạng chi đậm “hoa hồng” cho tài xế rồi tăng giá dịch vụ

Theo phản ánh của du khách, để tăng lượng khách, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ tại thị xã Sa Pa đã mạnh tay chi “hoa hồng” cho các tài xế taxi, xe ôm và đặc biệt là xe điện. Việc làm này có thể là lý do khiến giá một số dịch vụ tại Sa Pa bị nâng khống, cao hơn so với mặt bằng chung, ảnh hưởng đến hình ảnh của khu du lịch.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đã có thời điểm mức chi hoa hồng của các cơ sở ăn uống là 20 – 25% trên tổng tiêu dùng của mỗi hóa đơn. Các nhà hàng, khách sạn lớn hơn thì mức chi hoa hồng tương đối thấp, chỉ khoảng 10%. Cao nhất là các cơ sở tham quan, chụp hình check-in, có điểm chi tới 40% hoa hồng cho tài xế.

Ngoài ra, một trong những địa điểm chi hoa hồng ở mức rất cao là các cơ sở kinh doanh dược liệu, đặc biệt là tam thất. Với 1 kg tam thất được bán ra, mỗi tài xế dẫn khách đến được chủ cửa hàng trả 200.000 – 300.000 đồng.

Không chỉ các cơ sở kinh doanh lớn, ngay cả các cửa hàng kinh doanh đồ ăn sáng, quán ăn đêm cũng có mức chi hoa hồng cho “đội ngũ” tài xế là 10.000 đồng/bát hoặc tính theo số khách, thường là 10.000 đồng/khách.

50045f71e2d632886bc7.jpg
Sa Pa là khu du lịch quốc gia thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Trong vai khách du lịch, chúng tôi chọn một chiếc xe điện để tham quan khu vực trung tâm thị xã Sa Pa. Khi hỏi về một số cơ sở ăn uống, tài xế có tên S.T. không ngại ngần liệt kê một số món đặc sản để chúng tôi chọn lựa và giới thiệu địa điểm. Anh T. cũng thẳng thắn chia sẻ rằng với mỗi khách dẫn tới thì anh sẽ được chia hoa hồng. Trước đây mức chi hoa hồng là khá cao, thường ở mức 25%. Thế nhưng mấy ngày gần đây, khi thông tin về việc “ăn chia” hoa hồng rộ lên trên các phương tiện truyền thông, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã bị “quán triệt” chỉ được chi hoa hồng 10.000 đồng/khách cho tài xế.

Trước những thông tin trên, Sở Du lịch đã có văn bản yêu cầu thị xã Sa Pa và Hiệp hội Du lịch có những chấn chỉnh kịp thời. Trong đó, Sở Du lịch đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh tuyên truyền, phổ biến các hội viên của hiệp hội nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện các quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, kê khai, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, nói không với tình trạng “chi đậm” tiền hoa hồng cho tài xế.

Mới đây, ngày 14/7, thị xã Sa Pa đã tổ chức đối thoại với các đơn vị vận tải hành khách trên địa bàn. Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề đã được đưa ra để thị xã Sa Pa có phương án giải quyết, chấn chỉnh, trong đó có hiện tượng đòi chia phần trăm phí dẫn khách tới các quán ăn, nhà hàng ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Sa Pa. Tại buổi làm việc, thị xã Sa Pa đã thẳng thắn nêu ra các vấn đề tồn tại, quyết tâm chấn chỉnh, đưa hoạt động kinh doanh vận tải vào nề nếp.

xedien 1
(Ảnh minh họa)

Có thể nói, việc chi hoa hồng hay trả tiền cảm ơn các tài xế giúp dẫn khách đến sử dụng dịch vụ, mua sắm vốn không lạ, đã có từ rất lâu và không chỉ riêng ở Sa Pa. Khi đi du lịch, du khách thường có thói quen tìm hiểu thông tin về địa điểm, khu ăn uống, vui chơi và tài xế sẽ giới thiệu một số điểm để du khách trải nghiệm. Việc làm này giúp du khách có thêm nhiều thông tin, thêm sự lựa chọn khi đến một địa điểm mới và tài xế sẽ được chia hoa hồng từ các địa điểm này. Tuy nhiên, đáng nói là trong một số trường hợp mức hoa hồng mà tài xế nhận được càng nhiều thì giá hàng hóa, dịch vụ du khách phải trả càng cao, bởi nhiều người bán muốn đảm bảo mức lợi nhuận sau khi chi phí hoa hồng.

khách đi xe điện
Xe điện là phương tiện được nhiều du khách lựa chọn để di chuyển tại khu vực trung tâm thị xã Sa Pa.

Theo ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thì việc mạnh tay chi hoa hồng cho tài xế nói chung và xe điện nói riêng nổi lên từ khi ngành du lịch bắt đầu phục hồi sau đại dịch. Thời điểm đó, nhiều cơ sở sẵn sàng chi hoa hồng ở mức cao để có nhiều khách hơn. Việc chi hoa hồng cho tài xế dẫn khách tới quán là điều bình thường, không phải việc làm xấu nếu như các cơ sở kinh doanh dịch vụ chia sẻ lợi nhuận với nhau. Ví dụ như lợi nhuận thu được khoảng 20 – 30%, việc chia lại 10% trong số đó cho người giới thiệu không ảnh hưởng gì tới giá cả thì đó là việc tốt. Thế nhưng, nếu không quản lý tốt, chặt chẽ sẽ có tình trạng đẩy giá dịch vụ lên, nâng khống giá.

Theo báo cáo về tình hình hoạt động vận tải hành khách, trên địa bàn thị xã Sa Pa có 8 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe 4 bánh có gắn động cơ điện (xe điện) hoặc xăng với tổng số phương tiện hoạt động là 120. Số phương tiện được phê duyệt đến năm 2025 là 144; có 5 đơn vị hãng taxi với tổng số phương tiện đang hoạt động là 214; có 6 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách chạy theo tuyến cố định (hoạt động nội tỉnh có kết nối đến bến xe khách Sa Pa) với tổng số 194 phương tiện.

Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin thị xã Sa Pa, địa phương đang có kế hoạch tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các tài xế phục vụ khách du lịch đến với Sa Pa. Theo đó, các tài xế sẽ được cập nhật kiến thức để hiểu rõ hơn về địa phương, có thể giới thiệu, tư vấn cho du khách những thông tin cần thiết. Cùng với đó, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh, thân thiện cũng sẽ được tập trung truyền đạt để xây dựng hình ảnh đẹp cho du lịch Sa Pa.

Có thể nói, giữa chia sẻ lợi nhuận và tăng giá để trả hoa hồng là ranh giới mỏng manh. Một bên là trích lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, một bên là lấy tiền từ khách để bù đắp phần chi hoa hồng đã mất. Làm sao để phân định rõ ranh giới mỏng manh này cũng là một bài toán khó mà Sa Pa đang nỗ lực giải quyết để giữ hình ảnh cho khu du lịch nổi tiếng quốc gia, quốc tế.

Theo baolaocai.vn

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button