Phụ nữ người Giáy Sa Pa chuyển sang làm kinh tế du lịch
Chị em phụ nữ người dân tộc Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa, Lào Cai) đã chuyển đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển mô hình kinh tế gắn với nông nghiệp sang phát triển kinh tế du lịch, góp phần thay đổi nghề nghiệp, thu nhập cho bản thân và gia đình.
Phụ nữ người dân tộc Giáy ở Sa Pa thay đổi nếp nghĩ cách làm để phát triển kinh tế du lịch
Thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van là nơi tập trung nhiều homestay của người dân tộc Giáy với hàng chục hộ gia đình kinh doanh. Cùng với việc đóng vai trò chính trong hoạt động kinh doanh homestay, nhiều chị em ở thôn còn kinh doanh hàng hóa lưu niệm, hoạt động văn hóa văn nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe…
Bà Vàng Thị Giang cho biết: “Trước kia chị em người Giáy ở Tả Van làm nông nghiệp, với trồng trọt và chăn nuôi là chính, nhưng bây giờ thì chủ yếu làm dịch vụ du lịch. Nguồn thu từ du lịch cũng vì thế mà lớn hơn làm nông nghiệp”.
Người Giáy ở xã Tả Van phát triển du lịch cộng đồng rất mạnh
Sự nhạy bén, thay đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển sang làm kinh tế du lịch của chị em phụ nữ người dân tộc Giáy ở Sa Pa đã giúp chị em hình thành nên những kinh nghiệm, những kỹ năng phát triển làm du lịch độc đáo, mang đậm nét riêng, được du khách đánh giá rất cao.
Chị Nguyễn Thị Liên, chủ nhà hàng Tuấn Liên chia sẻ: “Chị em phụ nữ người Giáy ở Tả Van nói riêng và Sa Pa nói chung rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận và làm dịch vụ du lịch, đặc biệt trong những lĩnh vực như buôn bán hàng hóa lưu niệm, dịch vụ tắm thuốc, mở homestay… Ngay cả kỹ năng tiếp cận du khách, nắm bắt nhu cầu du khách cũng rất tốt, nên du khách đến với bản người Giáy rất hài lòng”.
Cho đến nay, việc tham gia dịch vụ du lịch đối với chị em người Giáy ở Tả Van đã một công việc quen thuộc. Họ thành lập đội văn nghệ ở các thôn bản, hàng tuần tự lên lịch và phân công các thành viên đi tham gia biểu diễn. phục vụ nhu cầu của du khách ở các cơ sở homestay một cách bài bản và quy củ.
Đội văn nghệ của người Giáy ở xã Tả Van
Chị Sần Thị Vinh, thành viên đội văn nghệ ở xã Tả Van, chia sẻ: “Chị em chúng tôi tham gia đội văn nghệ vừa là sinh hoạt cho vui, nâng cao đời sống tinh thần, vừa phục vụ khách du lịch. Có thời điểm đông khách, biểu diễn được nhiều, thu nhập tăng thêm đáng kể. Ngoài ra, còn có thể bán hàng hóa lưu niệm, kinh doanh dịch vụ thêm. Nói chung, từ khi tham gia làm du lịch, công việc và thu nhập đều tốt hơn là làm nông nghiệp thuần túy”.
Việc bán hàng hóa cũng có sự thống nhất rất nhất quán, đó là không có việc buôn bán cạnh tranh thiếu lành mạnh, không đeo bám khách, làm phiền du khách và mất hình ảnh đẹp đối với các điểm du lịch ở địa phương.
Bà Dương Thu Thủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Chính sách pháp luật, Hội LHPN tỉnh Lào Cai, chia sẻ: “ Phụ nữ người dân tộc Giáy làm du lịch rất tốt, họ rất nhạy bén, đặc biệt là khả năng nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khách du lịch. Từ đó họ có những phương pháp tiếp cận và đáp ứng nhu cầu du khách tốt hơn, tạo ra cho mình một lĩnh vực kinh tế nghề nghiệp mới, hiệu quả hơn làm kinh tế theo mô hình nông nghiệp truyền thống. Đây là tư duy thay đổi nếp nghĩ cách làm khá điển hình của phụ nữ người dân tộc Giáy ở địa bàn Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung”.
Theo Báo Phụ Nữ Việt Nam