CTTĐT – Người nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách luôn được các cấp, ngành của tỉnh Lào Cai quan tâm, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe. Qua đó giúp người nghèo, người người dân tộc thiểu số và người yếu thế trong tỉnh tiếp cận tốt nhất các dịch vụ y tế, được chăm sóc và nâng cao sức khỏe.
Tích cực triển khai
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, với dân số hơn 730 nghìn người, trong đó, dân số nữ chiếm 49,2%; dân tộc thiểu số chiếm 66,2%. Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 44.355 hộ nghèo, 22.804 hộ cận nghèo. Tại Lào Cai, chính sách hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách đã được thực hiện từ nhiều năm trước. Ngày 16/7/2021 HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số vùng khó khăn; phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 15).
Theo Sở Y tế tỉnh, để Nghị quyết 15 thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền cấp huyện, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đảm bảo mọi quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng chính sách theo đúng quy định.
Đến nay, hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh hiện có 30 đầu mối cơ quan, đơn vị. Trong đó, tuyến tỉnh có 5 bệnh viện và 5 trung tâm lĩnh vực y tế tuyến tỉnh; tuyến huyện có 08 bệnh viện đa khoa và 9 trung tâm y tế; có 18 phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc bệnh viện đa khoa tuyến huyện; tuyến xã có 152 trạm y tế đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong tỉnh. Theo bác sĩ Lương Văn Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bát Xát: “Việc thực hiện Nghị quyết 15 đã có hướng dẫn cụ thể nên rất thuận lợi. Qua rà soát, những người dân thuộc đối tượng được hưởng chế độ, bệnh viện sẽ phát phiếu ăn hàng ngày, hỗ trợ bà con ăn tại nhà ăn bệnh viện”.
Theo kết quả giám sát của cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh; những năm gần đây số lượt người bệnh là người nghèo, người dân tộc thiểu số đến các cơ sở y tế công lập khám và chữa bệnh, sinh con ngày một tăng. Điều đó cho thấy chính sách hỗ trợ khám, chữa bệnh của tỉnh đã được triển khai tương đối sâu rộng; bên cạnh đó nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân đã được nâng lên, cùng với việc các cơ sở y tế đã tăng cường nâng cao chât lượng dịch vụ chăm sóc người bệnh, các trang thiết bị được đầu tư phục vụ công tác khám, chữa bệnh khá đầy đủ, quyền lợi của của các đối tượng chính sách được đảm bảo.
Thực tế cho thấy, kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 15 (tháng 8/2021) đến hết tháng 9/2022, các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã khám, chữa bệnh cho trên 830 nghìn lượt người; trong đó, có 30.930 lượt người thuộc hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,7%/tổng số khám; 203.110 lượt người khám chữa bệnh là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 24,5%; 54.267 lượt người là trẻ em dưới 6 tuổi chiếm 6,5%.
Cũng trong thời gian này, toàn tỉnh đã có hơn 12.700 phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế công lập; trong đó, có 9.790 phụ nữ là người dân tộc thiểu số, chiếm 76,7%, phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con là 1.092 người.
Thông qua việc triển khai chính sách, ngân sách đã hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho bệnh nhân đến khám, chữa bệnh và phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh trên 14,7 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho bệnh nhân thuộc hộ nghèo 3,426 tỷ đồng; hỗ trợ bệnh nhân là người dân tộc thiểu số 8,661 tỷ đồng và hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con với kinh phí trên 549 triệu đồng. Đồng thời, đã có 33.933 lượt bệnh nhân thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền đi lại với kinh phí đã thực hiện chi trả đạt 2,094 tỷ đồng.
Hơn nữa, để kịp thời hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo và dân tộc thiểu số; cùng với chính sách chung của Trung ương, hàng năm ngân sách tỉnh đã hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hơn 8.000 đối tượng hộ cận nghèo; tỷ lệ bao phủ BHYT năm 2021 đạt 85,3% và 10 tháng đầu năm 2022 đạt 89%, ước thực hiện cả năm 2022 đạt 91,5%.
Tiếp tục phát huy hiệu quả
Cũng theo kết quả giám sát của cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh: khi triển khai chính sách ở cơ sở, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nắm được chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên khi đi khám, chữa bệnh không mang đầy đủ giấy tờ xác nhận là người thuộc hộ nghèo hoặc không trùng khớp thông tin giữa giấy tờ tùy thân với thẻ bảo hiểm y tế dẫn đến phải đi lại nhiều lần để hoàn thiện một số thủ tục, làm chậm quá trình thanh toán chế độ. Ở một số xã vẫn còn có trường hợp phụ nữ nghèo sinh con tại trạm y tế xã chậm thanh toán tiền hỗ trợ theo quy định; vẫn còn có phụ nữ thuộc hộ nghèo sinh con tại nhà, nguyên nhân do cơ sở chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, do phong tục tập quán, bất đồng ngôn ngữ, tâm lý e ngại và nhận thức, sự hiểu biết của một bộ phận người phụ nữ dân tộc thiểu số chưa cao…
Là một trong 4 huyện nghèo của tỉnh, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bát Xát năm 2021 có 7.950 hộ nghèo. Bà Sùng Hồng Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết, “Toàn huyện cũng có gần 42 nghìn người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Chính vì vậy, để Nghị quyết 15 thực sự phát huy hiệu quả, huyện Bát Xát đã tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân tiếp cận và thụ hưởng chính sách; đồng thời sẽ đẩy mạnh công tác rà soát các thông tin trùng lặp trên thẻ bảo hiểm y tế để việc triển khai chính sách được thuận lợi; qua đó sẽ giảm bớt khó khăn về kinh tế, giúp đồng bào tiếp cận được với các dịch vụ y tế.”
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên; để phát huy hiệu quả và giải quyết những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết 15, trong thời gian tới rất cần các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai, thực hiện chính sách.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động, phổ biến, triển khai các nội dung của chính sách bằng nhiều hình thức đến với người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm thay đổi quan niệm, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe; tăng cường tuyên truyền, vận động phụ nữ thuộc hộ nghèo, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu sô nên đên các cơ sở y tế để sinh con.
Kịp thời quy định, hướng dẫn việc thực hiện xác định khoảng cách (km) từ trung tâm thôn, bản, tổ dân phố đên các cơ sở y tế công lập trên địa bàn, để các cơ sở y tê có căn cứ thanh toán hỗ trợ tiền đi lại cho người nghèo, người dân tộc thiểu sô khi đến khám, chữa bệnh được đảm bảo đúng quy định.
Chính quyền cấp xã cần phối hợp cơ quan Bảo hiểm xã hội thường xuyên rà soát thông tin, thực hiện việc cấp, đổi thẻ bảo hiểm y tế kịp thời cho người dân để người nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đầy đủ chính sách, đảm bảo theo đúng quy định.
Cơ quan có thẩm quyên cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm chế độ chính sách; xem xét, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình triển khai thực hiện chính sách./.