Lào Cai lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo và ‘7 dám’
Chuyên đề của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong truyền đạt tại hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức của Tỉnh ủy tổ chức tháng 6/2023 đã trở thành lời hiệu triệu, tạo sự khích lệ, nguồn sức mạnh, động lực tích cực lan tỏa tới các cấp, ngành, từng cán bộ, đảng viên trên địa bàn.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tham gia hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng (tháng 6/2023). (Ảnh: Thành Phú)
Hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên các cấp của Tỉnh ủy tổ chức ngày 16/6/2023, tại hội nghị này, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã trực tiếp truyền đạt chuyên đề với 3 nội dung quan trọng. Bao gồm nội dung cốt lõi cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; vận dụng tinh thần của cuốn sách và nội dung Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, khơi dậy nguồn lực, động lực, khát vọng xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong truyền đạt chuyên đề sáng tạo, đổi mới và “6 dám” (nay là “7 dám”) ngày 16/6/2023.
Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị được ban hành đúng thời điểm, là việc làm cần kíp, xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, như câu chuyện “cởi trói” cho sự sáng tạo, bứt phá của cán bộ vì lợi ích chung.
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong nhấn mạnh tại hội nghị ngày 16/6/2023
Báo Lào Cai trích đăng một số ý kiến, kết quả thực hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo và “7 dám” trong thời gian qua:
“Nhiều cách làm chưa có tiền lệ nhưng thị xã đã mạnh dạn áp dụng”
– Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa
Sa Pa là khu du lịch nổi tiếng, bên cạnh tốc độ phát triển, thị xã cũng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế mang tính lịch sử như công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; ùn tắc giao thông; tình trạng đeo bám, chèo kéo khách và ăn xin…
Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa.
Nhận diện rõ điều đó, cấp ủy đảng, chính quyền thị xã không thể “làm ngơ, chấp nhận” mà phải quyết tâm giải quyết bằng sự nỗ lực, sáng tạo, dám đối diện với thử thách, khó khăn. Như trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, Thị ủy đã ban hành Chỉ thị số 04, UBND thị xã ban hành Kế hoạch 127 với việc tổ chức ký cam kết không để xảy ra các trường hợp tự ý san gạt đất đai, kiên quyết xử lý vi phạm… Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã ban hành nghị quyết giao Chủ tịch UBND thị xã có quyền tạm đình chỉ chức vụ của chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, phường phụ trách lĩnh vực này khi để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm.
Thị xã cũng chỉ đạo thành lập một số Đội quản lý trật tự nông thôn ở các xã. Đội có trách nhiệm kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn. Có nhiều cách làm chưa có tiền lệ nhưng thị xã đã mạnh dạn áp dụng, vì nhiệm vụ chung nên đã được Ban Chấp hành biểu quyết, thông qua.
Trong chỉ đạo, điều hành, nhiều nhiệm vụ cụ thể nhưng là vấn đề lớn, các đồng chí Thường trực Thị ủy đã trực tiếp đảm nhận. Cụ thể như đồng chí Bí thư Thị ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo chống ùn tắc giao thông; đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thị ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo chống chèo kéo, đeo bám; để giải quyết vấn đề rác thải, môi trường, đồng chí Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã đảm nhận chức Trưởng Ban chỉ đạo “Sa Pa sạch”.
Sa Pa ngày càng hấp dẫn du khách.
Cùng với đó, thị xã Sa Pa đã xây dựng điểm vệ sinh miễn phí dành cho du khách. Một thực tế, trong khu vực nội thị Sa Pa chỉ có 5 nhà vệ sinh công cộng do không còn quỹ đất để xây dựng thêm. Sau khi vận động, đã có hơn 200 gia đình, nhà hàng, khách sạn tham gia chương trình điểm vệ sinh miễn phí. Qua tính toán, thị xã đã lựa chọn hơn 80 điểm vệ sinh miễn phí ở những vị trí phù hợp để triển khai.
Tôi cho rằng, với công tác lãnh đạo, quản lý cần sáng tạo, đổi mới, miễn là trong khuôn khổ quy định pháp luật, có sự vận dụng để làm thế nào cho phù hợp vì mục đích chung. Các cán bộ nếu vì mục đích chung, không tư lợi, có thể có đơn, thư phản ánh, Thường trực, Ban Thường vụ Thị ủy sẽ xem xét, đánh giá một cách công tâm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Mạnh dạn đổi mới, mạnh dạn sáng tạo
– Đồng chí Trần Minh Sáng, Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy Bảo Thắng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo phù hợp với thực tiễn của huyện. Trước hết, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy xác định việc đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo phải bắt nguồn từ thực tiễn, hướng tới giải quyết những khó khăn, vướng mắc do thực tiễn đòi hỏi để tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt.
Đồng chí Trần Minh Sáng, Bí thư Huyện ủy Bảo Thắng.
Đó là việc đổi mới trong xây dựng và ban hành nghị quyết. Trước đây, việc xây dựng nghị quyết theo hướng từ trên xuống dưới, huyện đề ra nghị quyết, các chi bộ, đảng bộ căn cứ theo đó để xây dựng kế hoạch. Việc đổi mới còn thể hiện trong quá trình xây dựng văn kiện đại hội theo hướng căn cứ từ thực tiễn cơ sở để xây dựng Nghị quyết Đại hội.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các chuyên gia, đảng viên lão thành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân để tiếp thu trí tuệ của toàn dân trong xây dựng nghị quyết. Từ thực tiễn cơ sở, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết về mở rộng đường giao thông nông thôn, Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đang xem xét, cho ý kiến để ban hành Nghị quyết chuyên đề về mở rộng, nâng cấp các nhà văn hóa xã, thôn, tổ dân phố, các khu công viên.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Thắng thực hiện nghiêm túc tinh thần học nghị quyết của Đảng.
Đối với phương thức lãnh đạo của Đảng bộ huyện, từ năm 2021 đến nay, Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã duy trì phong trào sáng thứ 7 hướng về cơ sở. Theo đó, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy dành buổi sáng thứ 7 để về các địa phương, đơn vị, nhất là những nơi còn gặp nhiều khó khăn để nắm tình hình Nhân dân và giải quyết khó khăn cho cơ sở, tập trung chủ yếu vào các nội dung như giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, quản lý đất đai, giảm nghèo…
Bảo Thắng còn có đổi mới về quán triệt, triển khai nghị quyết, thay vì các báo cáo viên của ban tuyên giáo và ban tuyên vận xã đảm nhiệm, từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, với cấp huyện, trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện ủy là người phổ biến, quán triệt tại các hội nghị cán bộ chủ chốt; với cấp xã là bí thư đảng ủy xã, thị trấn thực hiện.
Thực hiện phân cấp, ủy quyền ở 9 lĩnh vực
– Đồng chí Nguyễn Văn Minh,Giám đốc Sở Nội vụ
Là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì, rà soát nội dung báo cáo của các sở, ngành, tham mưu cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả thực hiện các nội dung phân cấp, ủy quyền, đổi mới, chúng tôi nhận thấy từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 9 lĩnh vực thực hiện phân cấp, ủy quyền, đổi mới, riêng với UBND tỉnh đã ban hành 24 văn bản có liên quan.
Cụ thể, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết liên quan đến đổi mới, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và nghị quyết về quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lào Cai. Ngoài ra, UBND tỉnh ban hành 22 văn bản để triển khai thực hiện phân cấp, ủy quyền ở các lĩnh vực: Tài chính; tài nguyên, môi trường; nội vụ; giao thông, vận tải, xây dựng; nông, lâm nghiệp; y tế; kế hoạch và đầu tư; tư pháp, thuế.
Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Nội vụ.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện 8 nội dung phù hợp với quy định hiện hành, không có phát sinh vướng mắc. UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nhưng sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát, đánh giá tham mưu các giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đảm bảo tính khả thi của quy định đối với 2 nội dung.
UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, chuyên môn thực hiện rà soát để bãi bỏ do nội dung văn bản không còn phù hợp với quy định của cấp trên mới ban hành và không cần ban hành văn bản mới của địa phương với 4 nội dung. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, chuyên môn sửa đổi hoặc thay thế do có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có liên quan, cần điều chỉnh đảm bảo tính hợp pháp của các văn bản do tỉnh ban hành với 5 nội dung.
Đến nay, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng Đề án tổng thể của UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, xã và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh phê duyệt trước khi ban hành quyết định. Trong đó, năm 2024 dự kiến sẽ thực hiện phân cấp, ủy quyền tập trung vào 3 lĩnh vực: Giao thông, vận tải, xây dựng; nông, lâm, nghiệp và tài nguyên, môi trường.
Tập trung nâng cao năng lực cán bộ
– Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bát Xát
Thời gian qua, với yêu cầu nâng cao năng lực cho cán bộ, nhất là cấp cơ sở, Đảng bộ huyện Bát Xát triển khai thực hiện công tác bồi dưỡng nghiệp vụ. Sau bồi dưỡng, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tổ chức sát hạch để phân loại cán bộ. Kết quả sát hạch được sử dụng để xem xét trong thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm, xếp loại cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý cấp cơ sở.
Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch 78-KH/HU về đánh giá Đảng ủy các xã, thị trấn và cá nhân người đứng đầu hằng quý trong giai đoạn 2020 – 2025. Việc đánh giá, xếp loại chất lượng hằng quý được thực hiện chặt chẽ, theo quy trình, cụ thể như cấp ủy, cá nhân cán bộ tự kiểm điểm, đánh giá theo biểu mẫu quy định. Tiếp đó, Ban Tổ chức Huyện ủy thẩm định, tổng hợp trước khi lấy ý kiến nhận xét của các cơ quan, đơn vị có liên quan; đến bước cuối mới trình Ban Thường vụ xem xét, quyết định và ban hành thông báo kết quả theo từng quý cụ thể.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bát Xát.
Huyện Bát Xát còn có cách làm mới trong việc học Bác, trong đó đã xác định 3 khâu quan trọng nhất là “học tập”, “làm theo” và “nêu gương” nhằm nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Huyện cũng có nhiều cách làm mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ sở, từng ngành như việc tổ chức cuộc thi viết về gương điển hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện. Biên tập, xuất bản cuốn sách “Những tấm gương bình dị mà cao quý” giai đoạn 2021 – 2023 để tuyên truyền, lan tỏa; chỉ đạo mỗi đoàn thể, mỗi xã, thị trấn xây dựng 1 mô hình tiêu biểu. Đến nay, toàn huyện có 181 mô hình, nổi bật như: Tổ hội mô hình nuôi ngựa xã Mường Vi, Tổ hội nuôi ong xã Dền Sáng, Tổ hội nuôi trâu, bò xã Quang Kim, mô hình nuôi lợn xã A Mú Sung… Hay thực hiện mô hình mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo; chỉ đạo đảng viên giúp đỡ một hộ nghèo.
Văn Bàn phát huy tinh thần chủ động của cơ sở
– Đồng chí Trần Thị Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy
Để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, sự chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao, Huyện ủy Văn Bàn đã giao cho UBND huyện, các cơ quan tham mưu giúp việc Huyện ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội triển khai thực hiện 20 nội dung đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở năm 2023.
Các nội dung đổi mới đã mang lại hiệu quả thiết thực trong các lĩnh vực góp phần cải tạo một số hủ tục tại cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cơ sở. Nhờ đó, hết năm 2023, huyện Văn Bàn đã đạt nhiều kết quả nổi bật, đó là: Niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền tiếp tục được củng cố; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội có nhiều hoạt động về “tương thân tương ái”, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền góp phần ngăn ngừa các vụ việc vi phạm pháp luật.
Đồng chí Trần Thị Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy.
Huyện Văn Bàn trong năm qua đã hoàn thành 34/34 chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy, 62/62 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đều hoàn thành; thu ngân sách của huyện Văn Bàn đã dẫn đầu toàn tỉnh, cũng là năm thứ hai huyện có số thu trên địa bàn vượt con số 500 tỷ đồng; giáo dục huyện Văn Bàn xếp thứ ba toàn tỉnh trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh năm học 2022 – 2023 (sau thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng), đây cũng là năm đầu tiên có 16 học sinh thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Lào Cai (đứng thứ 2 sau thành phố Lào Cai). Nổi bật trong nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, đến nay huyện đã đạt 97,1%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Nổi bật trong phong trào “Tự nguyện dịch rào, đồng lòng hiến đất” mở rộng đường giao thông nông thôn, đến nay có 158 hộ tự nguyện hiến 121.000 m2 đất.
Đổi mới, sáng tạo góp phần kiến tạo các giá trị
– Anh Trần Văn Quân, Bí thư Đoàn khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh
Tôi cho rằng tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong thực hiện nhiệm vụ là một phẩm chất cần có của mỗi cán bộ trẻ. Đây cũng là thế mạnh của thanh niên bởi tuổi trẻ luôn giàu tinh thần nhiệt huyết, khát khao khẳng định bản thân, sự năng động, sáng tạo và dễ bắt nhịp với công nghệ số.
Là một cán bộ trưởng thành từ phong trào, hoạt động Đoàn, tôi luôn cố gắng đổi mới, sáng tạo trong triển khai các hoạt động, phong trào đoàn, đẩy mạnh các chương trình hướng về cơ sở để phát huy sức trẻ của Đoàn khối trên nhiều phương diện.
Anh Trần Văn Quân, Bí thư Đoàn khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh.
Trong tình hình mới đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động Đoàn, do vậy tinh thần đổi mới, sáng tạo lại càng được đề cao hơn bao giờ hết. Mỗi đoàn viên, thanh niên của Đoàn khối cần tiếp tục phát huy tinh thần ấy trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trong tham mưu, tổ chức các hoạt động, phong trào Đoàn để sức trẻ được phát huy, lan tỏa. Tinh thần đổi mới, sáng tạo là cách để tuổi trẻ góp phần kiến tạo các giá trị, kiến tạo tương lai.
Đổi mới, sáng tạo là yêu cầu, nhiệm vụ đối với mỗi cán bộ
– Chị Trần Thị Bích Phượng, công chức tư pháp, UBND phường Kim Tân, thành phố Lào Cai
Là đảng viên, công chức trẻ, tôi luôn nỗ lực, sáng tạo và trách nhiệm trong công tác, thường xuyên tham mưu cho UBND phường rà soát, đề xuất đơn giản hóa, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Chị Trần Thị Bích Phượng, công chức tư pháp, UBND phường Kim Tân, thành phố Lào Cai.
Năm 2023, UBND phường Kim Tân thực hiện gần 4.000 lượt thủ tục hành chính. Hầu hết các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp – hộ tịch đều được nhận và trả kết quả ngay trong ngày; 100% được hỗ trợ thanh toán trực tuyến, gần 80% thủ tục được hỗ trợ thực hiện trên môi trường điện tử. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi luôn đặt mình vào vị trí của người dân, tận tình hướng dẫn, hỗ trợ người dân để việc thực hiện các thủ tục thuận tiện, tiết kiệm thời gian.
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong thực thi công vụ là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với mỗi cán bộ, công chức trong tình hình mới. Riêng đối với lĩnh vực tư pháp, việc đổi mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần công khai, minh bạch, chống tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong việc thực thi các thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Lan tỏa tinh thần dám nói của cán bộ, đảng viên
– Đảng viên Lý A Cường, Trưởng thôn Ná Lùng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát
Dám nói thể hiện tinh thần mạnh dạn, cương trực của cán bộ, đảng viên. Thời gian qua, bản thân tôi và các đảng viên của Chi bộ thôn Ná Lùng luôn cố gắng phát huy tinh thần dám nói. Điều ấy được thể hiện ở việc họp bàn, đóng góp các ý kiến, phân công nhiệm vụ của chi bộ; đề xuất, kiến nghị với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về những bất cập, vướng mắc, khó khăn.
Đảng viên Lý A Cường, Trưởng thôn Ná Lùng, xã Cốc Mỳ.
Đơn cử như trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm lựa chọn các cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương, chi bộ họp bàn, nắm thông tin trong Nhân dân, các đảng viên tích cực nêu ý kiến, phân tích từng thế mạnh, hạn chế của từng loại cây, con giống để tìm ra những cây, con giống phù hợp, hiệu quả. Điều đó góp phần triển khai hiệu quả chương trình lớn của quốc gia, tránh tình trạng tiêu cực, lãng phí.
Trong sinh hoạt chi bộ, việc thực hiện nhiệm vụ được giao của đảng viên được đánh giá một cách khách quan, thẳng thắn; các ý kiến, góp ý trên tinh thần xây dựng, chỉ rõ những kết quả đạt được, hạn chế cần khắc phục để đảng viên ngày càng hoàn thiện. Các ý kiến, góp ý của đảng viên giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ khách quan, hiệu quả. Việc lan tỏa tinh thần dám nói cho thấy quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện đảm bảo, chất lượng sinh hoạt chi bộ ngày càng nâng cao.
Học Bác về tinh thần sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ
– Trung úy Trần Đại Hiệp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương về sự rèn luyện phẩm chất năng động, sáng tạo. Trong mọi lúc, mọi nơi, Người luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo, không giáo điều, rập khuôn, không sao chép của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.
Trung úy Trần Đại Hiệp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Theo tôi, việc thực hiện tinh thần sáng tạo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là vấn đề then chốt trong phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ đầy đủ phẩm chất, bản lĩnh và năng lực trên mọi cương vị công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới hiện nay.
“Dám đổi mới, sáng tạo” là yếu tố đặc biệt quan trọng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải khơi dậy được tư duy mới, biến tư duy đó thành hành động, cách làm mới hiệu quả. Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, vận dụng vào quá trình công tác tại đơn vị, bản thân luôn nỗ lực học hỏi, tìm tòi những cách làm hay, sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả của từng công việc, góp phần giúp đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Học Bác để trở thành tấm gương sáng tạo
– Cô giáo Ma Thị Bích Thu, Trường THPT số 1 Bảo Yên
Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là đảng viên trẻ công tác tại Trường THPT số 1 Bảo Yên, bản thân tôi luôn có trách nhiệm trong mọi công việc được giao. Ý thức sâu sắc lời dạy của Bác: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”.
Cô giáo Ma Thị Bích Thu, Trường THPT số 1 Bảo Yên.
Trong quá trình dạy học môn Ngữ văn tôi không ngừng tiếp thu, vận dụng những phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để tạo hứng thú, đam mê cho học trò. Bên cạnh đó, trong công tác nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi đã tìm tòi, tự học, tự bồi dưỡng những kiến thức lý luận để áp dụng vào thực tiễn giảng dạy ở địa phương, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, xây dựng “trường học hạnh phúc, đổi mới và hội nhập”.
Theo Báo Lào Cai