Điểm Đến Lào CaiDu Lịch SapaTin Tức Hiệp Hội

Đèn lồng ‘nhái’ thổ cẩm tràn ngập Sa Pa

Gần đây, nhiều du khách đến Sa Pa (Lào Cai) choáng ngợp khi thấy bên ngoài các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê tại trung tâm thị xã treo trang trí những chiếc đèn lồng họa tiết giống thổ cẩm, màu sắc sặc sỡ.

Thoạt nhìn, rất nhiều du khách nhầm tưởng đó là những chiếc đèn được thiết kế từ chất liệu vải thêu thổ cẩm của đồng bào các dân tộc ở Sa Pa. Tuy nhiên, những chiếc đèn lồng này được thiết kế từ chất liệu vải in công nghiệp, in sẵn hoa văn, thậm chí các hình hoa văn không giống với hoa văn truyền thống của dân tộc vùng cao Sa Pa, Lào Cai.

Không chỉ những chiếc đèn lồng treo trang trí, trên các tuyến phố trung tâm thị xã Sa Pa, du khách còn bắt gặp những cụm đèn trang trí hình khối thiết kế hoa văn thổ cẩm in sẵn. Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Hoàng Thị Vượng- Trưởng phòng Văn hóa thị xã Sa Pa cho biết, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai từng có chủ trương xây dựng thương hiệu đèn lồng thổ cẩm Sa Pa.

Tuy nhiên, những sản phẩm thổ cẩm do bà con đồng bào làm ra có chất liệu không phù hợp, nhanh phai màu và không chịu được mưa nắng ngoài trời. Trước mắt, khi chưa khắc phục, xử lý được những vấn đề mang tính kỹ thuật, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tạm thời sử dụng mô típ thổ cẩm, sản phẩm công nghiệp.

Đèn lồng nhái hoa văn thổ cẩm

Đèn lồng nhái hoa văn thổ cẩm

“Sau này, khi có giải pháp kỹ thuật hay hơn, tiên tiến hơn, chúng ta sẽ có hướng đi tiếp theo. Hiện tại, với nhu cầu sử dụng đèn trang trí, thay vì sử dụng đèn lồng nước ngoài hay địa phương khác, giải pháp chất liệu thổ cẩm công nghiệp hữu hiệu hơn”, bà Vượng nói.

Theo các chuyên gia văn hóa, thổ cẩm là sản phẩm truyền thống, là loại vải dệt thủ công từ sợi có nguồn gốc từ cây lanh, cây bông và cây gai. Vải thổ cẩm được làm thủ công bởi người dân ở vùng dân tộc thiểu số. Mỗi hoa văn dệt lên vải thể hiện cho từng bản sắc riêng của các dân tộc. Ở một số dân tộc, các hoa văn được dệt trên khung cửi, nhưng một số dân tộc ở Sa Pa như Mông đen, Dao đỏ, Xá Phó… thổ cẩm được thêu tay từ chỉ màu trên vải lanh, vải bông để mộc hoặc đã nhuộm chàm.

Hoa văn thổ cẩm của dân tộc thiểu số ở Sa Pa được bà con sáng tạo rất tinh xảo, thêu tỉ mỉ và cầu kỳ, mang dấu ấn đặc trưng riêng, không phải dân tộc nào cũng có được. Đây chính là một trong những thế mạnh để khai thác giá trị văn hóa bản địa vào phát triển du lịch Sa Pa. Không chỉ có vậy, hoa văn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Sa Pa giờ đây còn được ứng dụng trong ngành mỹ thuật thời trang, trang trí không gian sống trong đời sống đương đại.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của những chiếc đèn lồng và các tiểu cảnh trang trí ở một số khu vực công cộng, có sử dụng vải in hoa văn thổ cẩm không phải truyền thống của Sa Pa – Lào Cai đặt ra bài toán để chính quyền thị xã Sa Pa và các ban ngành chức năng trong lĩnh vực văn hóa du lịch cân nhắc về việc này.

Ngành chức năng của thị xã Sa Pa nên định hướng cho người dân và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại Sa Pa về việc sử dụng hoa văn, họa tiết thể hiện bản sắc văn hóa bản địa để trang trí, tạo dựng hình ảnh về du lịch Sa Pa, về đất và người Sa Pa.

Theo Báo Tiền Phong

Những bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button