Đặc sắc Lễ hội ‘Pút tồng’ và ‘Quả Tăng
Ngày 18/2 (tức mùng 9 tháng Giêng), cụm xã Tả Phìn – Trung Chải – Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) tổ chức Lễ hội ‘Pút tồng’ và ‘Quả Tăng’ năm 2024 tại xã Tả Phìn.
Đã thành thông lệ, vào đầu tháng Giêng hằng năm, người dân xã Tả Phìn lại nô nức mở hội. Lễ hội năm nay được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân “Sa Pa – Vùng đất muôn sắc hoa” năm 2024 với sự tham dự của các dân tộc trên địa bàn xã Trung Chải, Ngũ Chỉ Sơn và du khách thập phương trên cả nước.
Từ sớm, người dân đã chuẩn bị lễ cúng miếu gồm gà, lợn, rượu, gạo, hoa quả… để xin phép Thành Hoàng làng tổ chức lễ hội.
Các chàng trai, cô gái Dao đỏ xúng xính áo mới đi trẩy hội.
Thầy cúng chủ trì lễ chuẩn bị những công đoạn cần thiết cho nghi lễ Pút tồng.
Pút tồng là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của đồng bào Dao đỏ. Trong tiếng Dao, “pút” có nghĩa là nhảy, “tồng” có nghĩa là đồng. Pút tồng vừa là cách thức diễn xướng được thực hiện khi hành lễ và cũng có nghĩa là một nghi lễ thờ cúng tưởng nhớ đến linh hồn tổ tiên của người Dao đỏ. Sự ra đời của nghi lễ Pút tồng gắn với một số truyền thuyết về cuộc di cư của người Dao.
Diễn trình lễ Pút tồng gồm 11 bước và hầu hết các nghi lễ cúng bái đều được thực hiện thông qua các động tác nhảy, múa. Các điệu nhảy được thực hiện nối tiếp nhau trong suốt tiến trình nghi lễ, phần cầu khấn hầu như được “gói ghém” vào các điệu nhảy. Trong khi múa, họ luôn miệng xưng tụng thần linh và các điệu múa được sử dụng như hình thức làm hài lòng thần linh, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với tổ tiên, thần, thánh.
Vũ điệu “Điệu Vạn Phù” mô phỏng tín ngưỡng đối với các cô dâu đồng bào dân tộc Dao trước khi bước vào nhà chồng làm lễ bái đường, thành hôn.
Trích đoạn nghi lễ “Quả Tăng” hay còn gọi là nghi lễ cấp sắc của người Dao đỏ.
Theo tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao, nghi lễ “Quả Tăng” là một thủ tục bắt buộc đối với người đàn ông. Chỉ những người được cấp sắc mới được coi là người đàn ông trưởng thành. Nếu chưa được cấp sắc, thì dù sống tới già vẫn bị coi là chưa trưởng thành.
Trích đoạn đám cưới người Dao.
Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách.
Các em nhỏ được bố mẹ đưa đi trẩy hội.
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc.
Tại lễ hội, du khách được tham quan, trải nghiệm các gian hàng trưng bày các Di sản văn hóa phi vật thể đồng bào dân tộc Dao đỏ; gian hàng ẩm thực…
Theo Báo Lào Cai