Chợ đêm và kinh tế ban đêm ở Lào Cai
Từ khi có Quyết định 1129 ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam và Quyết định 1894 ngày 14/7/ 2023 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, đã tạo luồng gió mới cho chợ đêm miền núi phát triển, trong đó có tỉnh Lào Cai. Đến nay, một số địa phương đã tổ chức loại hình chợ đêm trở thành sản phẩm du lịch, kết hợp với nhiều dịch vụ khác để phát triển kinh tế ban đêm…
Trước chiến tranh biên giới năm 1979, chợ Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) là chợ đêm truyền thống tiêu biểu, có quy mô lớn vùng Tây Bắc. Người Giáy ở Bát Xát, người Mông, người Dao ở Sa Pa, Bắc Hà đổ về chợ, sôi động cả đêm. Suốt đêm, tiếng hát, tiếng sáo và sinh hoạt ẩm thực, mua bán nhộn nhịp. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, chợ Sa Pa vẫn còn vẻ đẹp nguyên sơ của chợ truyền thống. Nam nữ thanh niên đến chợ để hát giao duyên, tìm người yêu, vì vậy chợ có tên gọi là “Chợ tình” – là nơi gặp mặt của tình yêu, chợ cũng hoạt động suốt đêm.
Ở các thôn bản vùng cao vào thế kỷ trước, cuộc sống gần như biệt lập, mọi người bị đóng khung trong môi trường quen thuộc, khép kín trong không gian ngôi nhà và nương rẫy, hằng tuần chỉ có chợ phiên mới là không gian mở. Ở đây không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là môi trường kết thân, giao lưu tình cảm, nam nữ làm quen và nên vợ, nên chồng. Họ đến chợ chỉ mong được gặp người yêu, người thân. Do đó, buổi tối trước phiên chợ thực sự là ngày hội của tình yêu. Ở đây, nam nữ thanh niên hát các điệu dân ca giao duyên, còn người già và trung niên gặp gỡ người quen, người cùng dòng họ bên mâm rượu với bát thắng cố, phở chua. Người dân đến chợ có nhu cầu giao tiếp, làm quen, tìm hiểu… bên cạnh nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa.
Ngày nay, kinh tế Lào Cai đã hội nhập và phát triển, bản làng không còn là môi trường khép kín. Hệ thống điện, internet đã về từng ngôi nhà, xóm nhỏ. Mỗi gia đình có bao nhiêu người đến tuổi trưởng thành thì hầu hết có điện thoại thông minh. Họ mua bán, giải trí và tâm sự với người yêu cũng nhờ điện thoại, do đó, nhu cầu giao lưu tình cảm ở chợ đêm đã suy giảm. Hình thức trao đổi tình cảm chuyển từ ngôn ngữ trực tiếp sang ngôn ngữ thông qua điện tử. Nam nữ thanh niên mượn Zalo, Facebook với các mạng xã hội nói hộ tấm lòng mình. Vì vậy, động lực cho chợ đêm hoạt động bên cạnh nam nữ thanh niên, người thân theo kiểu truyền thống là du khách, những người ở vùng xa. Ở tỉnh Lào Cai, kết hợp giữa yếu tố truyền thống với yếu tố đổi mới nên chợ đêm ở Sa Pa và Bắc Hà phát triển khá mạnh. Ở đây, vai trò của du khách trở thành yếu tố quyết định.
Chợ đêm mở ra bên cạnh yếu tố truyền thống đóng vai trò hỗ trợ, tiền đề, còn chủ yếu là yếu tố du lịch, trong đó du khách lưu trú tại địa bàn có chợ, đi mua bán ở chợ là lực lượng chủ lực, đóng vai trò quyết định cho tính hiệu quả của hoạt động chợ đêm. Ở đâu có du khách lưu trú đông, địa bàn đó trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách tham quan và lưu trú thì nơi đó sẽ có điều kiện phát triển thành ngành kinh tế đêm. Có nơi, có du khách đến tham quan nhưng ít lưu trú lại thì rất khó có điều kiện phát triển chợ đêm.
Ở Lào Cai, có địa phương cũng phát triển loại hình chợ đêm, nhưng du khách đến chưa nhiều, buổi tối lại không lưu trú. Do vậy, chợ đêm hình thành một thời gian, sau đó các hoạt động ban đêm lại trở về như trước. Có thể thấy, du khách lưu trú đêm là linh hồn của chợ đêm, là yếu tố quyết định thành bại đối với việc mở chợ đêm, phát triển kinh tế ban đêm.
Các chợ truyền thống muốn phát triển ngành kinh tế đêm phải thu hút được nhiều du khách lưu trú đêm. Các yếu tố truyền thống cũng có vai trò mở đường, kích thích hoặc tạo thương hiệu bước đầu cho chợ đêm. Hoạt động chợ đêm vẫn là điểm nhấn, có sức hút nhất định đối với du khách. Tất nhiên, đấy chỉ là tiền đề thuận lợi cho các huyện vùng cao còn nhiều yếu tố giao thương truyền thống, nhưng để địa phương đó phát triển chợ đêm thành kinh tế ban đêm vẫn cần có những giải pháp thu hút du khách lưu trú.
Làm thế nào để chợ đêm du lịch phát triển mạnh, phù hợp với Lào Cai đang là vấn đề quan trọng, đòi hỏi có các giải pháp mang tính chất hệ thống tổng thể.
Thứ nhất là phải thay đổi nhận thức về chợ đêm du lịch và kinh tế đêm. Cần coi trọng chợ đêm du lịch ở các vùng có khách du lịch lưu trú và có truyền thống chợ đêm nhưng không nhất thiết tất cả các địa phương đều đồng loạt mở chợ đêm. Địa phương có truyền thống chợ đêm, chưa có lượng du khách tập trung thì chưa nhất thiết phải mở chợ đêm.
Cần xây dựng loại hình chợ đêm khác nhau ở vùng cao, tránh làm đại trà, chung chung. Ở các điểm du lịch thu hút đông khách lưu trú cần xây dựng, quy hoạch mô hình chợ đêm mang tính chất tổng hợp, gắn liền với các loại hình kinh tế đêm khác. Có thể xây dựng chợ đêm thành hạt nhân nhưng kết hợp với không gian đi bộ, tham quan các di tích, không gian nghệ thuật, thể thao.
Đơn cử như ở Sa Pa, bên cạnh đổi mới hoạt động chợ đêm với kịch bản hấp dẫn – chợ tình Sa Pa, cần có các trải nghiệm như đêm thổ cẩm, đón bình minh Fansipan, âm thanh tình yêu trong mây (giới thiệu nhạc cụ tình yêu của người Mông, người Dao, người Giáy, người Phù Lá…), thậm chí kết nối sinh hoạt chợ đêm với việc khám phá dấu vết lâu đài cổ, nhà thờ đá (có nghệ thuật ánh sáng kèm theo).
Ở những vùng còn truyền thống chợ đêm cần mở rộng không gian chợ, xây dựng không gian văn hóa, nghệ thuật, trò chơi và ẩm thực cộng đồng. Rút kinh nghiệm một số chợ nông thôn mới vì quá chạy theo mục đích doanh thu, tăng cường thuê ki-ốt nên không có không gian công cộng, không gian văn hóa, không gian bán hàng ngoài trời… Do đó, quy hoạch chợ đêm cần chú ý đến bãi đỗ xe, điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, nơi trình diễn nghề thủ công, khu buôn bán gia súc…
Sức hút của chợ đêm đối với du khách thường là đặc sản, sản phẩm OCOP, hàng hóa mang dấu ấn văn hóa dân tộc. Do đó, cần quy hoạch, xây dựng các làng nghề, làng có nghề, đội ngũ nghệ nhân, chính sách bảo tồn hoặc phát huy di sản văn hóa…
Cần xây dựng cơ chế, chính sách giảm thuế hoặc miễn thuế trong không gian chợ đêm, khuyến khích quảng bá, xây dựng thương hiệu, áp dụng số hóa trong xây dựng sản phẩm. Ở các điểm có lượng du khách lớn như Sa Pa, Bắc Hà cần có chính sách hỗ trợ liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng các sản phẩm công nghệ ánh sáng: Khám phá biệt thự hoa trong đêm, vẻ đẹp của lâu đài cổ, lung linh huyền ảo nhà thờ đá, chùa trên núi…
Ở thành phố Lào Cai và một số huyện giáp biên, cần phối hợp với Trung Quốc xây dựng chính sách khuyến khích việc giao thương ban đêm. Hai bên thống nhất kéo dài thời gian mở cửa khẩu, thông quan, xây dựng “một điểm đến hai cửa khẩu, hai quốc gia”…
Có thể khẳng định, ở Lào Cai có điều kiện thuận lợi phát triển chợ đêm, kinh tế đêm. Điều quan trọng là phải chuyển biến về mặt nhận thức, đổi mới các cơ chế, chính sách, hình thức, tổ chức chợ đêm thành hạt nhân ngành kinh tế đêm. Hy vọng, khi xác định chợ đêm là mũi nhọn sẽ tạo luồng gió mới cho phát triển nền kinh tế đêm ở Lào Cai.
Theo Báo Lào Cai